Nghe đến điện Mười Ba, tôi cứ nghĩ đó là một am, miếu hay điểm thờ cúng nào đó trên núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Nhưng thực chất, điện Mười Ba là một cái hang sâu hun hút.
Với người dân cư ngụ trên núi Cấm, điện Mười Ba là chốn linh thiêng. Cùng với đoàn khảo sát hoạt động du lịch núi Cấm, tôi quyết thử một chuyến chinh phục hang động huyền bí này.
Để đến được điện Mười Ba, đoàn khảo sát phải đi qua những bậc đá lớn dẫn xuống một triền dốc. Phía trước điện có thờ một bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát để du khách cầu nguyện trước khi vào hang. Người phụ nữ dẫn đường cho biết, phía trong điện Mười Ba khá tối nên phải mua 15 cây nến cắm dọc đường để mọi người thấy lối đi.
Vừa vào hang được chừng 10m thì cảm giác ngột ngạt vì thiếu dưỡng khí ập đến. Lúc này, thế giới trước mắt tôi chỉ toàn đá và đá. Tiếng cười nói của các thành viên trong đoàn cũng không còn, thay vào đó họ gọi nhau í ới để “giữ liên lạc”.
Bắt đầu khám phá điện Mười Ba trên núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Càng vào sâu, điện Mười Ba càng tối. Thi thoảng, tôi nhìn thấy một bàn thờ nhỏ đặt chiếc lư hương và có thắp nến. Người phụ nữ hướng dẫn chúng tôi nói tổng cộng có 13 chiếc lư hương như thế trong điện Mười Ba, mỗi chiếc ở 1 tầng. Ánh sáng của nến hắt lên mặt nóng râm ran, đối lập với cái cảm giác ướt lạnh của mấy mỏm đá trong hang.
Vì hang khá hẹp nên có những chỗ tôi phải nghiêng người, ép bụng hết cỡ mới đi qua lọt. Người dẫn đường hướng dẫn chúng tôi cho biết nguyên tắc để đi qua những kẽ đá, đó là “cái chân đi trước, cái đầu theo sau”.
Quả thật, không thể gọi là đi trong điện Mười Ba mà tôi phải trườn, bò, lăn các kiểu mới có thể vượt qua những hang đá có kích thước lớn hơn thân người một chút.
Theo lời người hướng dẫn, trong quá trình khám phá điện Mười Ba không nên nói những câu “gỡ”, kiểu như “làm sao ra được” hay “chắc kẹt luôn trong này quá”… vì rất dễ thành hiện thực.
Lúc đầu, một số thành viên trong đoàn còn cười với lời nói của người phụ nữ này, nhưng càng đi thì có vẻ họ… càng tin!
Điện Mười Ba mang đến trải nghiệm thú vị
Vì đi khá sát nhau nên có lúc tôi giẫm phải tay của cô bạn đi trước, rồi lại bị người đi sau giẫm trúng đầu mỗi lần xuống thêm 1 tầng trong điện Mười Ba. Giác quan được tôi sử dụng nhiều nhất lúc này là đôi chân, bởi nó phải mò mẫm đi trước, xác định được vị trí của những tảng đá phía dưới rồi thân hình mới nhấc theo.
Không khí trong điện Mười Ba càng lúc càng mịt mù. Ai cũng cố gắng trườn thật nhanh để bám theo người đi trước vì sợ lạc. Có những chỗ khoảng cách các tầng điện quá cao, người ta làm thêm cây thang để du khách đặt chân lên trước khi trèo xuống nhằm tránh té ngã.
Càng đi, hơi đá càng lạnh. Một số thành viên trong đoàn bắt đầu lo lắng, nhất là các bạn nữ. Quả thật, nơi này không dành cho người yếu tim hay có tiền sử về bệnh huyết áp. Do đó, việc phát triển các dịch vụ du lịch thám hiểm đối với điện Mười Ba cũng hợp lý, bởi những thử thách không kém phần khắc nghiệt của nó.
Càng vào sâu trong điện, mồ hôi của tôi vã ra như tắm. Tuy nhiên, tôi không quan tâm điều đó nữa mà chỉ mong nhanh chóng thấy được ánh sáng bên kia miệng hang. Không gian càng lúc càng cô đặc lại. Có những chỗ nếu đi sai tư thế thì sẽ không qua lọt. Theo lời người hướng dẫn, đã có trường hợp kẹt lại trong điện hàng giờ mới ra được.
Tác giả vừa ra khỏi điện Mười Ba trên núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Khắc nghiệt nhất là “cửa” cuối cùng được gọi là hang Mẹ Đẻ. Do cấu tạo lối đi có một hòn đã chắn ngang nên rất hẹp. Nhìn lối đi, tôi thở dài. Dân gian nói rằng phải là người “đủ đức” mới đi lọt chỗ này, nếu không phải cúng vái thì mới qua được.
Người hướng dẫn bảo cứ đi theo lời của chị, tức là đưa 2 chân ra trước, 2 tay bám vào tảng đá trước mặt rồi đu cả thân mình vòng từ bên trái qua bên phải của tảng đá là qua được. Bởi cơ thể phải đánh “một vòng cung” như vậy nên người sức khỏe yếu rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, tôi và những thành viên trong đoàn đều vượt qua được. Mấy anh bạn trong đoàn đùa với nhau rằng, khi qua được cửa hang này cũng giống như sinh ra thêm lần nữa, nên người ta gọi đó là hang Mẹ Đẻ cũng nên!
Qua được ải cuối cùng, tôi nhìn thấy ánh đèn flash máy ảnh đập vào mắt mình. Đó là do anh bạn chở đi khảo sát lúc này dùng máy ảnh của tôi chụp lại khoảnh khắc mỗi người ra khỏi hang.
Mồ hôi ướt đẫm, 2 tay mỏi nhừ, tôi nở nụ cười hạnh phúc bởi đã được trở lại với thế giới loài người. Không ai bảo ai, tất cả đều thừa nhận rằng mình vừa trải qua một thử thách vừa thích, vừa sợ. Điều mà họ vui nhất là đã chiến thắng bản thân và có sự trải nghiệm mới mẻ về “nóc nhà miền Tây”.
Quả thật, nếu có đủ thời gian bạn hãy thử chuyến khám phá điện Mười Ba để cảm nhận một góc nhìn rất khác về núi Cấm mộng mơ, hũng vĩ này!