Dân Việt

Trách nhiệm hình sự vụ thanh niên đâm Phó trưởng công an phường ở Đồng Nai

Quang Trung 25/12/2022 09:34 GMT+7
Về vụ thanh niên đâm Phó trưởng công an phường ở Đồng Nai, chuyên gia pháp lý cho rằng, với nhiều tình tiết tăng nặng, đối tượng có thể đối mặt hình phạt nghiêm khắc.

Đâm trọng thương Phó trưởng công an phường

Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ Cho Thanh Tùng (27 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân) để điều tra về hành vi dùng dao đâm đại úy Nguyễn Thế Đức - Phó trưởng công an phường An Hòa bị thương.

Theo thông tin ban đầu, tối 23/12, Tùng sau khi uống rượu, bia thì chạy xe va chạm với 2 người đàn ông khác dẫn đến xô xát. Do có hơi men trong người, Tùng về nhà lấy 3 con dao Thái Lan đi tìm đánh 2 người trên.

Trách nhiệm hình sự vụ thanh niên đâm Phó trưởng công an phường ở Đồng Nai - Ảnh 1.

Cho Thanh Tùng thời điểm bị công an bắt giữ. Ảnh: CACC

Nhận tin báo của người dân, Tổ tuần tra Công an phường An Hòa các bảo vệ dân phố tổ chức chốt chặn, phát hiện Tùng đi đến đầu đường Ngô Quyền (phường An Hòa) thì yêu cầu người này dừng xe.

Tuy nhiên, nam thanh niên không chấp hành và có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Nhận thông tin đề nghị hỗ trợ, đại úy Nguyễn Thế Đức - Phó trưởng Công an phường An Hòa, đang trực chỉ huy tại trụ sở trực tiếp ra hiện trường chỉ huy khống chế Tùng.

Tùng ngoan cố, cầm dao đâm vào tổ công tác và bị tước dao 2 lần. Trong lúc khống chế Tùng, đại úy Đức bị nghi phạm rút con dao thứ 3 đâm vào vùng ngực trái.

Tổ công tác khống chế Tùng và đưa đại úy Đức vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu với vết thương thấu ngực, tràn dịch ngoài màng tim.

Nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, diễn biến sự việc cho thấy hành vi của đối tượng Tùng rất côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, trong đó có người thi hành công vụ.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, xác định hậu quả mà đối tượng đã gây ra đối với người thi hành công vụ, đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo ông Cường, mặc dù trước lúc xảy ra sự việc, đối tượng có sử dụng rượu bia dẫn đến tinh thần bị kích động nên đã thực hiện các hành vi gây mất an ninh trật tự.

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc đối tượng đã dùng dao đâm trọng thương Phó trưởng công an phường.

Tuy nhiên, việc sử dụng rượu bia không phải là căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự, cũng không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Bởi, pháp luật quy định, đối tượng phải hoàn toàn phải nhận thức được rằng với hung khí nguy hiểm là dao nhọn mà đâm vào vùng trọng yếu của nạn nhân là vùng ngực thì có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

Tuy nhiên đối tượng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hậu quả chết người xảy ra hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra. Nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời.

Vì thế, hành vi này có dấu hiệu thỏa mãn cấu thành của tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.  

Nếu bị chứng minh có tội, và bị truy tố về điều khoản trên, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Vị chuyên gia nêu quan điểm, nếu bị xử lý hình sự, đối tượng này có thể bị áp dụng nhiều tình tiết định khung tăng nặng và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người thi hành công vụ, vì lý do công vụ của nạn nhân.

Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc. Trường hợp nạn nhân không chết, hình phạt cao nhất mà đối tượng này phải đối mặt có thể tới 20 năm tù.

Ngoài ra, đối tượng còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật.