Bây giờ Hà Nội (và khắp các tỉnh thành khác nữa) sao lắm quảng cáo mở các lớp khiêu vũ thế.
Đặc biệt là các khu chung cư, sảnh nào cũng băng- đe- rôn to tướng mời gọi mọi người đến các lớp khiêu vũ. Từ "Khiêu vũ nghệ thuật", rồi "Khiêu vũ dưỡng sinh"; "Khiêu vũ U15" đến "Khiêu vũ U80"; "Khiêu vũ cho người bị tim mạch" đến "Khiêu vũ cho người đau xương khớp"… Nghĩa là đủ cả cho người mê nhảy thể thao (dance sport) lẫn mê nhảy nghệ thuật (dance art). Từ nam phụ đến lão ấu không sót đối tượng nào…
Nơi phố cổ không sẵn mặt bằng thì người ta quảng cáo gốc cây! Nhảy dưới gốc cây (như "sàn nhảy ngoài trời", kiểu như trên vỉa hè Liễu Giai (gần cổng Sứ quán Nhật), hay dưới gốc cây chỗ tượng ông Lênin, đối diện Bào tàng Quân đội ấy)! Không thiếu chỗ nào…
Ấy thế mà cái hôm nay khắp nơi cổ suý là "khiêu vũ lành mạnh" thì cách đây chưa lâu lắm được gọi với cái tên "nhảy đầm" và bị quy là "văn hoá sa đọa, đồi truỵ".
Hồi thập niên 70 khi học bên châu Âu, ngoài thời gian cho học hành (bọn tôi học khá là giỏi, không có gi phải chê trách). Mấy "thằng" bọn tôi có "khuyết điểm" là cao ráo (cỡ bằng cậu "Tây" nhỡ). Ngoài thú vui sách vở mấy đứa chúng tôi còn có đam mê nhảy đầm với gái Tây.
Điều này khác hẳn với các sinh viên Việt Nam khác! Các bạn ấy và các anh chị nghiên cứu sinh, cán bộ đi học thì ngoài học ra thì họ chăm chăm đi "tăm tia" ở đâu bán đồ cũ, quạt tai voi, máy khâu, xe đạp, cối xay thịt quay tay…
Việc nhảy đầm khi đó phải chui lủi. Cái thú vui này có người phải trả giá: Cán bộ mà bắt được thì chỉ có "A lê! Hấp! Xách valy về nước!". Bởi khi đó ôm gái Tây nhảy đầm thì "tội" to lắm!
Lịch sử "nhẩy đầm" của người Việt quả cũng không đơn giản!
Các tài liệu cũ lưu lại cho thấy ở xứ ta chuyện nhẩy đầm cũng "thăng trầm" lắm!
"Mở"… Rồi "Cấm"… Lại cho "Mở"… Rồi lại "Cấm"… Cứ như chong chóng! Ấy là tôi nói dưới thời "thực dân đế quốc ăn chơi truỵ lạc".
Như ở xứ Nam Kỳ, nhẩy đầm du nhập sớm lắm, từ đầu thế kỷ XX. Đến thập niên 20, 30 thì trên các báo tràn ngập quảng cáo nhẩy đầm. Nội dung các quảng cáo nhẩy đầm thời ấy thường thế này:
"Đúng 9 giờ tối nay 2 Avril 1932
TẠI NHÀ HÁT TÂY
Có cuộc khiêu vũ do mấy cô tân thời tổ chức"
Hoặc các quảng cáo mở lớp các dậy nhẩy đầm:
"Trường dạy nhẩy đầm ở Nhà hàng MAJESTIC
Mở cửa suốt đêm
Tiền vào cửa : 1 đồng
Chủ nhật từ 18 giờ đến 20 giờ có khiêu vũ
Vào xem không mất tiền
Dạy khiêu vũ 10 bài giá 20 đồng…"
Nhưng rồi việc nhẩy đầm không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chẳng hạn năm 1949, Hà Nội thời Pháp thuộc, Thị trưởng Hà Nội khi đó là ông Phan Xuân Đại đã ký sắc lệnh "Cấm nhảy đầm"!
Nội dung sắc lệnh của Thị trưởng Hà Nội khi ấy như sau:
"CẤM NGƯỜI VIỆT - NAM KHIÊU VŨ
TIỆM KHIÊU - VŨ NÀO ĐỂ NGƯỜI VIỆT - NAM NHẨY SẼ BỊ ĐÓNG CỬA.
Trong tình thế Quốc gia hiện thời chưa phải là lúc ăn tiêu hoặc chơi bời xa xỉ. Vậy từ nay trở đi cấm ngặt người VN không được đi nhẩy tại các tiệm khiêu- vũ. Ai trái lệnh sẽ bị phạt rất nặng. Những tiệm nhẩy để người Việt Nam vào khiêu - vũ sẽ bị đóng cửa.
Hà Nội ngày 30 tháng 5 năm 1949
Thị - Trưởng thành phố Hà Nội
PHAN - XUÂN- ĐẠI"
Chuyện nhẩy đầm ở Hà Nội sau 1954 thế nào thì mọi người đều rõ. Tôi khỏi phải kể. Tôi nhớ khá rõ giai đoạn từ năm 1986, khi bắt đầu "đổi mới" thì lác đác một số câu lạc bộ bắt đầu mở các lớp "khiêu vũ nghệ thuật". Lúc đầu các lớp này còn lác đác người đến đăng ký. Nhưng chỉ ít tháng sau thì mọi người đăng ký đông lắm.
Cuối thập niên 80, khi các ban nhạc nhẹ mang tên "Ca khúc chính trị" thành lập, rồi phong trào tổ chức sinh hoạt "khiêu vũ nghệ thuật" được phát động trong các trường đại học thì việc đi học nhẩy đông lắm.
Nhà Văn hoá thành phố Hà Nội là một địa điểm như thế. Nhà văn hoá thành phố Hà Nội toạ lạc ở số 88 Hàng Buồm, thực chất là Rạp chiếu bóng Kim Môn. Rạp này thông từ phố Hàng Buồm sang phố Ngõ Gạch. Nửa rạp Kim Môn phía Ngõ Gạch vẫn chiếu phim, còn nửa phía Hàng Buồm thành nơi sinh hoạt Câu lạc bộ, trong đó có mở các lớp dạy khiêu vũ trên gác 2. Câu lạc bộ khiêu vũ khi đó thường sinh hoạt tuần 3 buổi tối: thứ 4, thứ 7 và chủ nhật.
Khi đó nhà tôi ở phố Hàng Đường gần đấy. Thỉnh thoảng 2 vợ chồng cũng dắt nhau ra đấy nhẩy vài bài, nhưng chủ yếu ra đấy là để ghi tên, đăng ký hộ cho một số bạn bè muốn tham gia các lớp học nhẩy. Vì người nhờ đăng ký thì đông mà địa điểm hẹp, nên họ hạn chế tiếp nhận. Cũng phải cần "hơi quen quen" thì mới đăng ký nhanh được…
Sàn nhẩy khi đó còn "giản dị" lắm, ban nhạc cũng vậy, trang phục của "nam thanh nữ tú" đi nhẩy cũng thế! Chưa có nhiều "váy véo", nước hoa đắt tiền… Đồ uống chỉ có nước chanh. Thời ấy chưa có Côca hay Pepsi gì cả… Ai nhẩy mệt, khát nước hoặc muốn chiêu đãi "bạn nhẩy" thì mua một cốc nước chanh. Thế thôi!
Câu lạc bộ khiêu vũ ở 88 Hàng Buồm ấy tồn tại đến những năm đầu thập niên 90. Rồi cái "sàn nhẩy" 88 Hàng Buồm khi xưa là nơi cho các cửa hàng bán bánh kẹo, rượu bia làm nơi chứa đồ. Nay thành nhà trẻ "Tuổi Thơ".
Bây giờ khiêu vũ hay nói dân dã là nhẩy đầm không phải chui lủi nữa! Các sàn nhẩy sang trọng nhiều không kể xiết… Khách du lịch nước ngoài sang nhìn cũng phải lác mắt!
Nhưng kỷ niệm về một thời chẳng bao giờ quên…