Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và lĩnh vực quy hoạch đô thị nói riêng thì còn có một số tồn tại. Ở góc độ bộ luật, có sự chồng chéo và chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng.
Cụ thể như khu chức năng nằm trong đô thị, khu đô thị nằm trong khu chức năng hoặc trên một địa bàn cùng có khu chức năng và đô thị thì câu hỏi đặt ra là lập quy hoạch theo Luật Xây dựng hay Luật Quy hoạch đô thị. Cùng với đó, có sự chồng chéo trong các quy định giữa Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng và các Luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công…
Luật Quy hoạch năm 2017 ra đời đã quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là một thành phần trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Để phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ 2021-2030, Đảng và Chính phủ đã ban hành các Chương trình, mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong thời kỳ mới.
Các vấn đề chính trong quy hoạch, quản lý phát triển hệ thống đô thị và nông thôn toàn quốc cần được rà soát, nghiên cứu định hướng để đảm bảo yêu cầu về kiểm soát, quản lý đô thị và nông thôn phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Công tác quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn chính là phục vụ mục tiêu xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những bước tiến trong chính sách về nhà ở, quyền sử dụng đất đai, đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã tác động quá trình phát triển đô thị và nông thôn, thay đổi cấu trúc của các chủ thể tham gia lập và thực hiện quy hoạch.
Phát biểu tại tọa đàm kinh tế 2023 của báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy Hoạch Đô Thị Việt Nam nêu quan điểm, Đảng đã đưa ra hàng loạt Nghị quyết quan trọng bao trùm và mang tính bản lề, cốt lõi cho nền kinh tế trong năm 2022. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.
"Trước đây vấn đề đô thị chúng ta chỉ đưa ra vài ba câu, chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 06, chúng ta đã đưa vấn đề phát triển đô thị vào Nghị quyết với tầm nhìn đến 2035 và 2040. Qua đó, Bộ Chính trị đã mở rộng tư duy phát coi trọng phát triển đô thị. Các quốc gia muốn phát triển được thì đô thị phải phát triển, đô thị không phát triển thì đất nước không thể phát triển được.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra Nghị quyết về lĩnh vực này nhằm chấn chỉnh những việc quản lý quy hoạch.
Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ các mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á; xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế...