Cận cảnh khu di tích Bích Câu Đạo Quán. Thực hiện: Duy Huy.
Theo sử sách ghi lại, xưa kia trên gò cao đầu phố Bích Câu có một chàng thư sinh tên là Trần Tú Uyên dựng quán đọc sách, làm thơ.
Một hôm chàng cùng bạn đi dự hội tình cờ gặp một cô gái má hồng đào, gương mặt trái xoan và mái tóc dài liếc mắt nhìn chàng như một tia chớp rồi bỏ đi.
Tú Uyên ngơ ngẩn rảo chân bước theo bóng hồng. Bất ngờ, khi tới khu đình Quảng Văn (Cửa Nam) thì chàng không thấy bóng người đẹp đâu nữa.
Xem hội về, trong lòng Tú Uyên không khỏi tương tư. Mấy hôm sau, chàng đi chợ Cầu Đông, thấy một bà lão bán bức tranh tố nữ với dáng vẻ yêu kiều như cô gái trong ngày hội chùa hôm trước nên đã mua về.
Tú Uyên coi mỹ nữ trong tranh như là người thật, ngày ngày ngắm nhìn, trò chuyện. Đến ăn cơm, uống nước chàng cũng mời cô gái trong tranh ăn uống cùng.
Kể từ đó, trong túp lều cũng xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ, có những hôm đi ra ngoài trở về, Tú Uyên đã bất ngờ thấy có người dọn sẵn cơm canh.
Không khỏi nghi hoặc, một hôm chàng giả vờ ra ngoài rồi đứng nép bên vách, bất ngờ khi thấy trong bức tranh bước ra một cô gái dịu hiền, thoăn thoắt làm mọi việc nội trợ. Cô gái bị phát hiện nên đành thú thực mình là tiên hạ phàm, tên Giáng Kiều.
Từ đây, Giáng Kiều cùng Tú Uyên bốc thuốc cứu người, tu tiên học đạo, tạo phúc cho dân trong vùng.
Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và sinh được một con trai. Một thời gian sau, cả nhà Tú Uyên đều tu hành đắc đạo nên đã bay về trời.
Vì công lao cứu dân độ thế, Tú Uyên được vua Lê Thánh Tông truy phong danh hiệu "An Quốc chân nhân" cho phối thờ vào chùa Đắc Quốc, từ đây chùa cũng đổi tên thành chùa An Quốc.
Trong thời Lê sơ, khi Đạo giáo thịnh hành, chùa An Quốc được xây dựng mở rộng thành cụm kiến trúc tâm linh bản sắc Đạo giáo, đổi tên thành Bích Câu đạo quán.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI đời vua Lê Thánh Tông, Bích Câu đạo quán có lẽ không xa lạ với nhiều người tu tiên, một phần bởi đây là "quán" của đạo giáo Việt Nam, thờ tiên ông Trần Tú Uyên.
Bích Câu Đạo Quán còn là nơi tao nhân mặc khách và các quan lại, nho sinh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám tụ hội để dâng, vịnh thơ phú.
Thế kỷ XVII, đạo giáo suy thoái, nhiều đạo quán được chuyển thành đền, chùa. Vì thế, trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán hiện có cả chùa và điện thờ Mẫu.
Sau khi chuyển thành đình Bích Câu, người dân làng An Trạch vẫn thờ phụng Thành hoàng làng Trần Tú Uyên. Suốt một thời gian dài, Bích Câu Đạo Quán rơi vào cảnh đổ nát và bị thực dân Pháp đốt cháy.
Năm 1953, dân làng An Trạch đã quyên góp, tu bổ lại di tích. Quán hiện vẫn nằm trên gò Quy Đôi xưa, có kiến trúc kiểu chữ "đinh", gồm: Nghi môn, tiền tế, hậu cung, nhà mẫu, nhà khách.
Quán Bích Câu còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị là: Một cây tháp mộ sư, các bộ tượng Hoa nghiêm Tam Thánh, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Đặc biệt là tấm bia đá ghi lịch sử trùng tu di tích, khánh đá khổ 1,6m x 1,38m có bài văn khắc năm 1830. Trong quán có câu đối ca ngợi cảnh thần tiến, đất Phật linh thiêng.
Dù hiện tại, đạo giáo gần như đã không còn trên đất Thăng Long và ta cũng khó có thể tìm thấy một đạo sĩ nào, song, Bích Câu Đạo Quán là một di tích lịch sử minh chứng cho sự tồn tại và phát triển một thời của đạo Giáo Thần tiên ở kinh thành khi xưa.
Ngày nay, Bích Câu Đạo Quán ngoài thu hút khách hành hương và nhiều người khác đến tìm hiểu về thiên tình sử của tiên và người, còn trở thành nơi tổ chức các canh hát ca trù, và là nơi diễn ra các buổi tập dưỡng sinh.
Năm 2011, Ban quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội đã khởi công tu bổ, tôn tạo di tích Bích Câu Đạo quán với tổng kinh phí 43 tỷ đồng. Các hạng mục được phục hồi, tu bổ gồm: Chùa chính với diện tích 202 m2, mặt bằng hình chữ "đinh", tường xây gạch chỉ đặc, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng phục chế;
Nhà Mẫu có diện tích 129m2, gồm tiền tế và hậu cung với các góc đắp đao cong và hình đầu kìm; nhà Tổ có diện tích 96m2, gồm 5 gian xây gạch chỉ đặc, cửa bức bàn kiểu "thượng song hạ bản" bằng gỗ lim; nhà khách có diện tích hơn 80m2 và nhiều công trình phụ trợ khác.