Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM), Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp điều tra và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.
Theo đại diện Cục PVTM, nhiều hơn các vụ kiện cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và có thể tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu.
Chính vì vậy, để giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, các nước nhập khẩu sẽ phải tìm đến những công cụ phòng vệ thương mại.
Ông Trung nhấn mạnh, các vụ điều tra phòng vệ song hành giữa xu hướng hội nhập với xu hướng mở cửa kinh tế của nền kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế khu vực. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện và nó sẽ trở thành một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế".
Theo Phó Cục trưởng Cục PVTM, điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để xác định được những rủi ro đó và có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó.
Ông này cho rằng, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục duy trì hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm, theo dõi những biến động xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại đang phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng để có những hoạt động cung cấp thông tin, những hoạt động trao đổi chia sẻ thông tin về phòng vệ thương mại, về các nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách cơ bản nhất cho doanh nghiệp.
Hơn nữa, với hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các kênh thông tin khác, thậm chí có những kết nối thông tin riêng với các cơ quan điều tra để trao đổi cụ thể và có những hướng dẫn những tư vấn cụ thể hơn khi có sự việc xảy ra.
Đặc biệt, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành triển khai để doanh nghiệp có thể tận dụng được tốt nhất những cơ hội do quá trình tiến trình hội nhập quốc tế đem lại. Đồng thời, qua đó ngăn ngừa phòng tránh được những rủi ro và để có được hiệu quả tốt nhất của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Về các vụ kiện PVTM đã và đang diễn ra, theo thống kê của WTO, tính đến ngày 30/6/2022, các nước đã điều tra tổng cộng hơn 7.600 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó hơn 6.500 vụ việc chống bán phá giá, 650 vụ việc chống trợ cấp và khoảng 450 vụ việc tự vệ.
Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 225 vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra PVTM với 51 vụ việc và là quốc gia duy nhất đến thời điểm này điều tra và áp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa Việt Nam và đang rà soát lần thứ 19 về thuế chống bán phá này.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, các vụ PVTM gia tăng do guyên nhân thứ nhất và cũng là lớn nhất đó chính là năng lực và khả năng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tốt hơn. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay chúng ta thực hiện mở cửa, tham ra nhiều Hiệp định thương mại song phương trên thế giới.
Nguyên nhân thứ 2, trước tác động của dịch Covid, nhiều nước nhiều ngành gặp khó khăn, chính vì thế nhiều nước họ có nhiều biện pháp bảo vệ ngành trong nước, ngành công nghiệp nền tảng, có thể liên quan đến an ninh quốc gia như ngành thép, vì thế họ có nhiều biện pháp ngăn chặn nhập khẩu họ sẽ sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Yếu tố thứ 3, đó là một số nước có nền kinh tế lớn có nền cạnh tranh, họ sẽ định hình lại chuỗi cung ứng, rộng hơn là các liên kết kinh tế. Đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta, họ kiểm tra chặt chẽ hơn về nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, trong năm 2022, trong các biện pháp phòng vệ thương mại mới, chống lẩn tránh thuế tương đối lớn. Vì thế, chúng ta cần lưu ý, khi nhập nguyên liệu từ các nước khác.