Kiev đề xuất tổ chức "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" vào cuối tháng 2/2023, thời điểm 1 năm Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sáng kiến được công bố bởi Ngoại trưởng Dmitry Kuleba, ông cũng đồng thời đưa ra các điều kiện để Kiev mời Moscow tham gia sự kiện này.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP được công bố hôm 26/12, ông Kuleba thừa nhận ngoại giao sẽ đóng một vai trò quan trọng nếu muốn xung đột chấm dứt. "Mọi cuộc chiến đều kết thúc nhờ ngoại giao", ông Kuleba nói và lưu ý thêm: "Mọi cuộc chiến đều kết thúc do các hành động được thực hiện trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán".
Bộ trưởng nói thêm rằng LHQ là "địa điểm tốt nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, bởi vì tính công bằng và không nghiêng về một quốc gia nào". Ông cũng đề nghị Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres làm trung gian hòa giải.
"Ông ấy đã chứng tỏ mình là một nhà hòa giải và đàm phán hiệu quả, quan trọng nhất là một người có nguyên tắc và chính trực. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh sự tham gia tích cực của ông", ông Kuleba nói về ông Guterres.
Khi được hỏi về việc mời Nga tham dự "hội nghị thượng đỉnh hòa bình", ông Kuleba khẳng định Moscow trước tiên phải đối mặt với "tòa án quốc tế" và bị truy tố về những hành động đã làm ở Ukraine. Ông cũng bác bỏ những lời kêu gọi đàm phán gần đây của Tổng thống Vladimir Putin, lập luận rằng mọi thứ Nga làm trên chiến trường đều "chứng tỏ" Moscow không muốn đối thoại.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo G20 ở Indonesia và đưa ra một "công thức hòa bình" gồm 10 điểm, bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân đội Nga, trao đổi tù nhân và thiết lập một tòa án xét xử.
Trong khi đó, Moscow nhấn mạnh điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào là Kiev phải "chấp nhận thực tế", bao gồm cả việc Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9.