Chiều 26/12, phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo trong đại án AIC tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư, trình bày những quan điểm bào chữa cho thân chủ tại tòa.
Vụ án này có 36 bị cáo, nhưng 8 người đang bỏ trốn, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (viết tắt là Công ty AIC); Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội; Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa…
Tại tòa, luật sư Nguyễn Thị Thanh Hải, người bào chữa cho bị cáo Thuyết, cho rằng thân chủ của mình không bỏ trốn.
Nêu luận cứ chứng minh, luật sư Hải cho hay, sau khi biết mình bị đưa ra xét xử, bị cáo Thuyết đã liên hệ với gia đình mời luật sư bào chữa, đồng thời gửi bản tường trình tới TAND TP Hà Nội, Viện KSND TP Hà Nội xin được xét xử vắng mặt vì lý do bất khả kháng.
Theo luật sư Hải, ông Thuyết đã xuất cảnh hợp pháp khỏi Việt Nam từ tháng 4/2021, trước khi vụ án khởi tố. Sau khi xuất cảnh, ông Thuyết cư trú tại Mỹ vì là người giám hộ duy nhất cho 2 con theo học tại đây.
Khi biết tin bị truy tố, đưa ra xét xử thì thời gian là quá ngắn để có thể sắp xếp trở về tham dự phiên tòa mặc dù ông Thuyết rất mong muốn được có mặt trình bày trực tiếp…
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Tú, một luật sư khác của bị cáo Thuyết, đề nghị HĐXX và Viện KSND TP Hà Nội kiến nghị cơ quan có lệnh truy nã gỡ bỏ lệnh này đối với thân chủ của mình để bị cáo Thuyết được nhận chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.
Bởi HĐXX đã chấp nhận lời trình bày của bị cáo Thuyết cũng như chấp nhận cho bị cáo này xét xử vắng mặt.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi liệu đề nghị gỡ lệnh truy nã cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết có phù hợp quy định?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc đưa ra truy tố và xét xử bị cáo đang trốn truy nã được thực hiện theo khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận.
Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Như vậy, theo những quy định trên, bị cáo có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án.
Tuy nhiên, bị cáo có thể vắng mặt nếu vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, trường hợp này phiên tòa xét xử sẽ bị hoãn.
Vì vậy, theo luật sư Khuyên, việc bị cáo Thuyết vắng mặt có phải do trở ngại khách quan hay không tòa án cần xem xét kỹ.
Nếu bị cáo vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, sẽ bị áp giải theo quy định. Trường hợp nếu bị cáo trốn, HĐXX sẽ tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về nghĩa vụ của bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn sẽ bị truy nã.
"Bị cáo đã vắng mặt từ trước và không chấp hành các quyết định của cơ quan tố tụng nên trường hợp đề nghị được gỡ quyết định truy nã có thể khó được chấp nhận nếu bị cáo vẫn tiếp tục vắng mặt" – vị luật sư nêu quan điểm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích thêm, theo Điều 2, Điều 4 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về đối tượng bị truy nã và ra quyết định truy nã gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn; Người bị kết án tử hình bỏ trốn; Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Còn tại khoản 3, Điều 231 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, sau khi bắt được bị can theo quyết định truy nã, vơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã.
Có nghĩa việc định nã, gỡ bỏ quyết định truy nã chỉ được thực hiện khi bắt được bị can, bị cáo hoặc bị can bị cáo ra đầu thú.
Đối chiếu các quy định nêu trên, luật sư Đồng cho rằng, bị cáo trước đó đã bị ra quyết định truy nã và trước khi xét xử bị cáo không ra trình diện, đầu thú để hưởng khoan hồng từ tình tiết "đầu thú" quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tức không chấp hành giấy triệu tập của tòa án, không thực hiện nghĩa vụ của bị can, bị cáo, vậy có thể không có căn cứ để gỡ bỏ quyết định truy nã.