Dưới sự chỉ bảo của cha là Trần Văn Thể, thư sinh Trần Du càng phát huy tinh thần ham học hỏi. Ông còn cùng với cha và chú là Trần Văn Chuẩn dạy chữ nho, bốc thuốc giúp đỡ dân làng.
Từ đường họ Trần An Hòa - nơi thờ chí sĩ Trần Du, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức). Ảnh: Đăng Sương
Trước sự áp bức của thực dân Pháp và bọn tay sai, ông Trần Du gác bút nghiêng, hưởng ứng Chiếu Cần Vương đứng lên chống thực dân Pháp.
Ông đã tổ chức lễ tế cờ tại núi Đất ở vùng ven biển thuộc các xã Đức Nhuận, Đức Thắng (Mộ Đức) và vận động khởi nghĩa “Cứu quốc - Hộ dân” - một lời hiệu triệu đã vượt xa hơn ý nghĩa của phong trào Cần Vương khi chữ “Dân” được đặt ngay sau chữ “Quốc”.
Chiến khu của cuộc khởi nghĩa Trần Du kéo dài từ miền Tây Trà Bồng tới An Lão (Bình Định). Cuộc khởi nghĩa Trần Du không những liên kết, quy tụ được những người yêu nước của hai địa phương Quảng Ngãi và Bình Định, mà còn lan tỏa tới Phú Yên.
Đồng thời, ông tích cực rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực, xây dựng căn cứ ở vùng Trường An thuộc huyện Ba Tơ. Đây là vùng đất mà thân phụ của ông Trần Du cùng một số văn thân yêu nước như Trần Hành, Trần Luật... khai phá và xây dựng thành căn cứ chống Pháp lâu dài từ trước.
Với những hoạch định chu đáo, tỉ mỉ, hợp lòng dân, lòng quân, chí sĩ Trần Du được nghĩa quân tôn làm “Bình Tây Đại tướng quân”.
Ông Trần Mẫn là người trông coi, hương khói tại Từ đường họ Trần An Hòa. Ảnh: Đăng Sương
Chúng mua chuộc và biết không khai thác được gì nên xử chém ông. Trước khi ra pháp trường, ông Trần Du dõng dạc nói: “Chúng bay bắt được tao thì giết đi, người khác sẽ nối tiếp tao trừ quân tàn bạo, việc gì phải nhiều lời vô ích”. Chí sĩ Trần Du hy sinh khi ông 32 tuổi (1864 -1896).
“Ngày mất của chí sĩ Trần Du là ngày 12/3, song con cháu chọn ngày 10/3 là dịp tiết thanh minh và Giỗ Tổ Hùng Vương để tề tựu.
Vào dịp này, con cháu trong dòng họ ôn lại truyền thống, kể cho lớp trẻ nghe về công trạng của cụ Trần Du để giáo dục về lòng yêu nước, giúp con cháu nuôi dưỡng ý chí học tập, tu dưỡng đạo đức. Càng ý nghĩa, vinh dự hơn khi Từ đường họ Trần An Hòa - nơi thờ chí sĩ Trần Du đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Mẫn chia sẻ.