Dân Việt

Đăng kiểm xe ô tô bị siết chặt: Chủ xe đối phó như thế nào?

Khải Phạm 28/12/2022 06:14 GMT+7
Để được đăng kiểm, nhiều chủ xe đã nghĩ ra nhiều cách để đối phó như thay “zin”. Sau đó, chủ xe lại tháo ra nên việc đảm bảo an toàn kỹ thuật dường như không thực tế ngoài việc phục vụ mục đích đăng kiểm.

Trong những ngày cuối năm, công tác đăng kiểm xe ô tô ở Việt Nam đang được các cơ quan chức năng siết chặt. Theo đó, nhiều Trung tâm Đăng kiểm đã bị đình chỉ vi phạm quy định trong kiểm định xe cơ giới.

Do đó, vài ngày vừa qua, các Trung tâm Đăng kiểm đã siết chặt hoạt động đăng kiểm xe ô tô, nhiều lỗi nhỏ cũng không bị đánh trượt buộc người dân phải nghĩ ra đủ chiêu trò đối phó.

Chủ xe dùng nhiều cách để qua mặt đăng kiểm. Video Khải Phạm.

Muôn vàn cách chủ xe “hô biến” để “qua mặt” đăng kiểm

Thời điểm cuối năm này, lượng ô tô hết hạn phải đăng kiểm rất lớn ở hầu hết các Trung tâm. Đặc biệt, do siết chặt đăng kiểm và một số Trung tâm bị đình chỉ nên lượng phương tiện xếp hàng ở những Trung tâm hoạt đồng lớn.

Theo ghi nhận của Dân Việt, từ sáng sớm, lượng ô tô đến đăng kiểm ở Trung tâm Đăng kiểm trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã rất lớn. Không chỉ xếp hàng chật kín bãi đỗ xe chờ vào đăng kiểm, hàng xe xếp dài ở ngay mặt đường Phạm Văn Đồng cũng mỗi lúc dài thêm khi gần về trưa.

Đây là tình trạng không hiếm gặp khi người dân đổ dồn về một số Trung tâm Đăng kiểm vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, trong số rất nhiều mẫu xe đi đăng kiểm, vẫn còn một số trường hợp xe chưa về nguyên bản.

Ghi nhận ngay bên ngoài Trung tâm Đăng kiểm, một chiếc xe VinFast Lux A2.0 đang xếp hàng chuẩn bị vào đăng kiểm nhưng xe đã được độ đèn Bi gầm (đèn sương mù). Thay vì tháo ra để lắp phụ tùng nguyên bản, chủ xe đã dùng băng dính đen băng vào để tiến hành đăng kiểm.

Chủ xe dễ dàng “qua mặt” đăng kiểm, liệu việc siết chặt có cần thiết? - Ảnh 2.

VinFast Lux A2.0 được dán băng dính vào đèn Bi gầm. Ảnh Khải Phạm.

“Dán băng dính đèn vào coi như không sử dụng để được đăng kiểm, xong lại tháo ra dùng bình thường”, chủ xe VinFast Lux A2.0 nói với chúng tôi.

Đây là một trong những thực trạng mà nhiều chủ xe áp dụng khi bị Trung tâm Đăng kiểm từ chối.

Chưa dừng lại ở đó, có nhiều cách mà người dân “hô biến” để “qua mặt” các Trung tâm đăng kiểm khi xe không đúng tiêu chuẩn theo quy định.

Theo ghi nhận tại một xưởng độ ô tô tại Quận Nam Từ Liêm Hà Nội, nhiều chủ xe đối phó bằng cách “thuê” phụ tùng nguyên bản để đi đăng kiểm, sau đó khi xong sẽ lắp lại những món đồ đã độ trước đó.

Anh Nguyễn Tiến Huy, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Xe tôi là xe cũ hơn chục năm rồi nên đèn lúc đó dùng bóng Halogen sợi tóc đi không đủ sáng. Do đó, phải độ lên đèn LED với bóng Projector, nhưng không đăng kiểm được nên đã phải đến xưởng để thay lại bóng cũ, nhưng đi rất nhiều nơi mới có loại đèn đấy để được đăng kiểm”.

Anh Huy cho rằng, quy định này khá vô lý bởi độ đèn LED sáng hơn để an toàn, đằng này cũng vì lý do an toàn không đúng thiết kế của nhà sản xuất lại không được đăng kiểm nến khá chất ngờ.

“Chẳng nhẽ đi đèn Halogen tối om là đủ điều kiện an toàn, còn đèn LED sáng nhìn rõ lại thiếu an toàn?”, anh Huy bức xúc nói.

Đặc biệt, nhiều chiếc xe bán tải độ la-zăng, đèn pha hay “ống thở” đều không được đăng kiểm theo quy định. Vì vậy, dịch vụ cho thuê những phụ kiện nguyên bản theo xe lại nở rộ.

Theo đó, khách hàng thuê những món phụ tùng nguyên bản của xe theo đúng đời để đối phó khi đi đăng kiểm, sau đó sẽ tháo ra về hiện trạng độ như cũ.

“Xe tôi độ được 2 năm rồi nên làm sao giữ được những đồ nguyên bản theo xe nữa như la-zăng, Bi gầm nữa. Bây giờ mua những phụ kiện đó thì giá khá cao như một bộ la-zăng nhẹ nhàng cũng phải hơn 20 triệu đồng thà đi thuê 2 triệu đăng kiểm xong lắp lại thôi”, anh Tiến Quang, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Như vậy, mặc dù hiện nay các Trung tâm Đăng kiểm đang siết chặt các quy định với xe không đủ tiêu chuẩn, nhưng người dân vẫn đang tìm cách “lách luật” để những chiếc xe không đủ điều kiện có thể được đăng kiểm.

Quy định an toàn không nên là hình thức?

Đăng kiểm xe được hiểu là việc các cơ quan chuyên ngành kiểm định việc chất lượng xe về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có đảm bảo theo quy định hay không. Đăng kiểm xe giúp nhà nước giám sát được số lượng, chất lượng xe hiện hành. 

Với định nghĩa trên, đăng kiểm là việc làm bắt buộc nhằm xác định một mẫu xe có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để lưu thông hay không. Tuy nhiên, với những chiêu thức để “lách luật” đăng kiểm như hiện hành, liệu việc an toàn có được đảm bảo.

Chủ xe dễ dàng “qua mặt” đăng kiểm, liệu việc siết chặt có cần thiết? - Ảnh 3.

Chủ xe lắp đồ nguyên bản khi đăng kiểm, xong lại tháo ra. Ảnh Khải Phạm.

Điển hình là việc, trước khi đi đăng kiểm, chủ xe đã tháo những bộ phận độ và thay thế bằng phụ tùng nguyên bản. Rõ ràng với việc này, Trung tam Đăng kiểm không có lý do để từ chối những chiếc xe nguyên bản như nhà sản xuất đã công bố và kiểm định trước khi bán ra ngoài thị trường.

Mặc dù vậy, câu hỏi được đặt ra là xe đủ an toàn khi ở Trung tâm Đăng kiểm, ra đường ai đảm bảo? 

Việc lắp lại những bộ phận độ sau khi kết thúc đăng kiểm ở Trung tâm khiến những chiếc này không đủ điều kiện lưu thông theo quy định về an toàn kỹ thuật. Như vậy, việc đăng kiểm chiếc xe an toàn chỉ có trên giấy tờ, còn vận hành thực tế vẫn là một chiếc xe “thiếu an toàn” vì khi độ/chế đã bị từ chối đăng kiểm mà chủ xe cố tình lưu thông trên đường.

Theo ông Nguyễn Đăng Trung - CEO & Founder xưởng độ Chung Auto cho biết: “Việc đăng kiểm siết chặt như hiện nay là cần thiết, nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào cụ thể về việc độ/chế xe đảm bảo quy định an toàn. Việc siết chặt đăng kiểm này khiến người dân nghĩ thêm cách để đối phó khi đi đăng kiểm bằng việc tháo đèn, la-zăng, bậc, bệ… sau khi đăng kiểm xong lại lắp vào đâu vào đấy. Do đó, đừng để chiếc xe chỉ an toàn khi ở Trung tâm Đăng kiểm, còn ra đường thì không ai đảm bảo”.

Cũng theo ông Trung, một số chi tiết độ như mặt ca-lăng, logo hoàn toàn không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn an toàn của chiếc xe khi không làm chiếc xe dài hay rộng ra so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. 

Nói về vấn đề này, anh Tiến Huy chia sẻ: “Siết chặt đăng kiểm như hiện nay khiến nhiều người có tâm lý đối phó nhiều hơn. Đơn giản là việc nhiều xe đã thiết kế lỗi thời, không còn đảm bảo an toàn nên phải thay thế đồ mới hơn. Xe con không có niên hạn sử dụng, chẳng nhẽ những chiếc xe sản xuất năm 1980 đến giờ vẫn phải sử dụng công nghệ lỗi thời của hơn 40 năm trước sao”.

Có thể thấy, việc siết chặt đăng kiểm là cần thiết, nhưng việc các chủ xe áp dụng còn mang nặng tính hình thức và để đối phó qua mặt Trung tâm đăng kiểm nhiều hơn để đủ điều kiện lưu hành.

Về việc các chủ xe đối phó khi đi đăng kiểm, Dân Việt đã nhiều lần liên hệ với những Trung tâm Đăng kiểm, nhưng hiện lãnh đạo của các Trung tâm này đều từ chối trả lời và không có ý kiến thêm về những việc này.