Từ cuối tháng 2 đến nay, cuộc chiến ở Ukraine đã thống trị về mặt thông tin trên các chương trình tin tức của năm ở hầu hết các quốc gia.
Ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều tháng căng thẳng gia tăng đã ám chỉ nguy cơ xảy ra xung đột ở châu Âu. Tuy nhiên, ít ai ngờ được cuộc giao tranh sẽ trở nên phức tạp và kéo dài như thế nào.
Trên thực tế, cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thương vong, buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trên nhiều mặt.
Những thắng lợi và tổn thất trên chiến trường cho đến dòng người tị nạn ồ ạt và nguồn cung cấp vũ khí... là bộ mặt của cuộc chiến mà chúng ta đang phải chứng kiến.
Kiểm soát trên mặt đất
Vào cuối năm 2021, các hình ảnh vệ tinh xuất hiện cho thấy quân đội Nga đang tập trung quân ở biên giới đầy tuyết với Ukraine, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công. Các nỗ lực ngoại giao không có kết quả và vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài phát biểu trên truyền hình đã công bố "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi hạt nhân hóa" và "phi quân sự hóa" Ukraine.
Người dân trên khắp quốc gia lớn thứ hai của châu Âu thức giấc khi nghe thấy tiếng còi báo động và tiếng nổ khi lực lượng mặt đất của Nga xâm chiếm từ bốn mặt trận chính ở phía bắc, đông bắc, đông và nam, trong khi pháo binh và tên lửa nhắm vào nhiều địa điểm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết Ukraine sẽ chống trả khi chính phủ của ông tuyên bố thiết quân luật và yêu cầu người dân Ukraine cầm vũ khí.
Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, các lực lượng Nga đã dồn ép các thành phố lớn nhất của Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev và thành phố lớn thứ hai Kharkov. Quân đội Moscow đã sớm giành quyền kiểm soát thành phố Kherson ở phía nam, nhưng bất kỳ nguyện vọng nào của Nga về việc tiếp quản nhanh chóng đều bị cản trở bởi sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine.
Bucha, ngoại ô Kiev, trở thành căn cứ chiến lược cho các cuộc tấn công thủ đô Kiev. Tuy nhiên, khi Nga rút quân khỏi khu vực Kiev vào cuối tháng 3, tuyên bố rằng họ sẽ tập trung vào việc đánh chiếm khu vực phía đông Donbas, ở Bucha đã xuất hiện những dấu vết của các cuộc thảm sát. Trong chuyến thăm Bucha vào tháng 4, Karim Khan, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế, đã mô tả Ukraine là "hiện trường vụ án".
Đến tháng 6, Nga đã kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả thành phố cảng Mariupol ở miền nam sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Các chiến tuyến phần lớn được củng cố vào giữa năm nhưng đến đầu tháng 9, các lực lượng Ukraine đã tận dụng được sự hiện diện yếu hơn của Nga ở đông bắc Ukraine sau khi các mlực lượng Nga được triển khai lại tới Donetsk và trục phía nam, nơi một cuộc tấn công của Ukraine ở Kherson gây ra mối đe dọa .
Kết quả là một cuộc phản công nhanh chóng khiến Điện Kremlin bất ngờ và dẫn đến việc các lực lượng Ukraine chiếm lại các khu vực rộng lớn ở tỉnh Kharkiv và thị trấn Izyum - theo Bộ Quốc phòng Anh, lãnh thổ chiếm lại ít nhất gấp đôi diện tích của London.
Nikolay Mitrokhin, một chuyên gia về Nga tại Đại học Bremen của Đức, nói với Al Jazeera rằng: "Trong vòng 4 ngày, Ukraine đã vô hiệu hóa 4 tháng thành công của quân đội Nga khiến họ phải trả giá bằng một số lượng lớn nạn nhân".
Ông Putin phản ứng bằng cách tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh bị chiếm đóng một phần ở miền đông và miền nam Ukraine. Động thái này được đưa ra sau khi cử tri ở Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia ủng hộ việc gia nhập Nga, theo kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý bị chính phủ ở Kiev và các đồng minh phương Tây bác bỏ là vô nghĩa và bất hợp pháp.
Mặc dù ông Putin tuyên bố rằng Nga có "bốn khu vực mới", gọi cư dân của họ là "công dân của chúng ta mãi mãi", quân đội của ông sau đó vài tuần đã rút khỏi thành phố Kherson, thủ phủ khu vực đầu tiên và duy nhất bị lực lượng Nga chiếm giữ kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Các quan chức Nga cho biết quyết định này được đưa ra để cứu mạng các binh sĩ Nga trước một cuộc phản công của Ukraine và những khó khăn trong việc giữ cho các tuyến tiếp tế đến thành phố chiến lược được mở.
Kể từ đó, giao tranh chủ yếu tập trung vào Donbas, nơi các lực lượng Nga trong nhiều tháng đã đánh phá thành phố Bakhmut ở Donetsk, với cái giá đắt đỏ, trong khi quân đội Ukraine tiến về thị trấn trọng điểm Kreminna, ở Luhansk.
Chiến tranh đã tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trên thế giới
Khoảng 1/3 trong số hơn 40 triệu dân Ukraine đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ tại một số thời điểm kể từ cuộc chiến, với hơn 7,8 triệu người tị nạn hướng tới châu Âu và khoảng sáu triệu người phải di dời trong nước. Liên minh châu Âu đã cấp cho người Ukraine quyền ở lại và làm việc tới ba năm trong khu vực gồm 27 quốc gia thành viên.
Kể từ cuối tháng 2, Liên Hợp Quốc đã ghi nhận 16,5 triệu người vượt biên rời khỏi Ukraine và 8,7 triệu người đi vào. Những người chạy trốn khỏi Ukraine hầu hết là phụ nữ và trẻ em, nam giới từ 18 đến 60 tuổi.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt
Xung đột kéo dài đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, với giá cả hàng hóa bao gồm thực phẩm, phân bón và nhiên liệu tăng cao.
Đặc biệt, chiến tranh đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga, trong khi việc xuất khẩu ngũ cốc bị gián đoạn dẫn đến giá lương thực tăng cao ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào Ukraine và Nga để có nguồn cung cấp như vậy.
Hiệu ứng này cũng đã được cảm nhận ở Ukraine, quốc gia đã chịu thiệt hại về kinh tế và xã hội do cơ sở hạ tầng bị hư hại, lực lượng lao động bị xáo trộn và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine dự kiến sẽ giảm 1/3 vào năm 2022.
Vào tháng 12 năm 2021, hai tháng trước khi Nga tấn công Ukraine, tỷ lệ lạm phát của Ukraine ở mức 10%. Đến tháng 11 năm 2022, lạm phát ở Ukraine đã tăng lên 26,5%. Giá lương thực, chẳng hạn như bánh mì, đã tăng 35%, trong khi chi phí nhiên liệu và vận chuyển đã tăng khoảng 40%.
Sống trong bóng tối
Kể từ ngày 10 tháng 10, các đợt tấn công của Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng khác cần thiết để giữ an toàn cho hàng triệu người Ukraine trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Các cuộc tấn công đã phá hủy hơn 40% các cơ sở năng lượng của Ukraine, khiến toàn bộ các thành phố không có nhiệt và nước. Các đồng minh phương Tây của Ukraine cho biết các cuộc tấn công vào các địa điểm quan trọng được thiết kế để vũ khí hóa mùa đông ở châu Âu.
Nhìn chung, sản xuất năng lượng của Ukraine đã giảm kể từ cuộc chiến, với sự sụt giảm mạnh nhất về năng lượng hạt nhân, loại năng lượng cung cấp hơn một nửa lượng điện của đất nước. Nhu cầu đã giảm khoảng 30% trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, một phần do một số trong số 15 lò phản ứng hạt nhân của Ukraine đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện khi Nga tấn công.
Với điều kiện mùa đông đang đến, nhu cầu sử dụng điện ngày càng nhiều hơn nhưng mất điện luân phiên đồng nghĩa với việc các gia đình phải sử dụng túi ngủ để giữ ấm, các ca phẫu thuật trong bệnh viện được thực hiện bằng đèn pin điện thoại và mọi người cố gắng tìm các điểm ở các thành phố để sạc pin.
Phản ứng toàn cầu
Ít nhất 46 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã áp đặt tổng cộng hơn 10.000 lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc chiến, khiến nước này trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, trên cả Iran, Syria và Triều Tiên.
Các quốc gia và khối bao gồm Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và EU đã áp đặt 8.613 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, 1.658 lệnh trừng phạt đối với các tổ chức, 92 lệnh trừng phạt đối với tàu và 14 lệnh trừng phạt đối với máy bay.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, vào cuối năm 2022, GDP của Nga dự kiến sẽ giảm tới 4,5% trong trường hợp xấu nhất.
Phương Tây viện trợ cho Ukraine
Theo số liệu do Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức nghiên cứu của Đức, cung cấp hầu hết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine, Mỹ, EU và các quốc gia châu Âu cung cấp hầu hết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo.
Các số liệu do Viện Kiel thu thập định lượng viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo từ các chính phủ cho Ukraine, chủ yếu là EU và các nước G7. Hỗ trợ quân sự bao gồm vũ khí, thiết bị và hỗ trợ tài chính cho quân đội Ukraine. Cứu trợ nhân đạo bao gồm y tế, thực phẩm và các mặt hàng khác cho dân thường, trong khi hỗ trợ tài chính dưới hình thức trợ cấp, cho vay và bảo lãnh.
Tổng cộng, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo khoảng 47,8 tỷ euro (50,3 tỷ USD) cho Kiev, trong đó gần một nửa là dưới hình thức hỗ trợ quân sự. Các tổ chức của EU như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Ủy ban và Hội đồng EU, và Quỹ Hòa bình Châu Âu đã cam kết viện trợ 35 tỷ euro (36,8 tỷ USD) cho Ukraine, chủ yếu dưới hình thức trợ giúp tài chính. Vương quốc Anh là nước đóng góp viện trợ cao thứ ba cho Ukraine, với 7,1 tỷ euro (7,5 tỷ USD) được cam kết từ ngày 24 tháng 1 đến ngày 20 tháng 11.
Vũ khí xác định chiến tranh
Nguồn cung cấp quân sự của phương Tây đã thúc đẩy các cuộc phản công của Ukraine ở phía đông bắc và phía nam, giúp nước này giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn. Chủ chốt trong số đó là Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, hay HIMARS do Mỹ cung cấp.
Konstantinos Grivas, người dạy các hệ thống vũ khí tiên tiến tại Học viện Quân đội Hy Lạp cho biết: "HIMARS, cùng với GMLR (Hệ thống tên lửa phóng nhiều lần có hướng dẫn), đạt được độ chính xác đáng kể".
Vào giữa tháng 12, Mỹ cũng đồng ý gửi một tổ hợp tên lửa Patriot tới Ukraine. Theo Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, hệ thống tên lửa dẫn đường đất đối không là một trong những "hệ thống phòng thủ tên lửa được vận hành rộng rãi nhất và đáng tin cậy nhất". Khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo sẽ có lợi cho Ukraine trong việc phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo vốn đã phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và năng lượng.
Ngược lại, Nga gần đây đã lợi dụng cái gọi là máy bay không người lái "kamikaze" để gây thiệt hại trên diện rộng, gửi hàng loạt chúng về phía các thành phố và vị trí quân sự của Ukraine. Chính phủ Ukraine đã cáo buộc Iran cung cấp cho Nga máy bay không người lái giá rẻ Shahed, mang đầu đạn nặng 40kg và được thiết kế để bay thấp, do đó tránh được radar. Iran đã phủ nhận các cáo buộc.