Như người bệnh V. Đ. T. (60 tuổi, địa chỉ tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm nay. Trước khi vào viện 3 ngày, khi thời tiết rét sâu, người bệnh có biểu hiện khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh, không sốt.
Dù bệnh nhân đã dùng thuốc theo đơn ngoại trú ở nhà nhưng không đỡ được đưa vào viện cấp cứu với chẩn đoán: Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Một người bệnh khác là bà Đ. T. C (64 tuổi, địa chỉ tại Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh) vào viện được 7 ngày điều trị với chẩn đoán: Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có bội nhiễm trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2.
Các trường hợp trên đều phải được tiến hành điều trị tích cực, sử dụng thuốc kết hợp với khí dung và long đờm. Sau quá trình theo dõi, điều trị, hiện sức khỏe người bệnh đã ổn định.
Theo bác sĩ khoa Nội thận – Tiết niệu – Hô hấp, cứ đến thời điểm giao mùa, đặc biệt là những ngày thời tiết lạnh giá thì số người bệnh đến khám và phải nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) lại gia tăng.
Khi thời tiết như vậy người bệnh rất dễ nhiễm các loại virus và vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên và dưới, làm tăng tình trạng co thắt phế quản, tăng dịch nhầy trong đường hô hấp do đó bệnh nhân bị khó thở nặng hơn. Do vậy mà người bệnh phải nhập viện ngày càng tăng.
Nếu các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sau khi bị trở nặng nếu không được nhập viện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng suy hô hấp và nặng hơn là có thể dẫn đến tử vong.
"Người bệnh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền cần sử dụng thuốc định kỳ để dự phòng bệnh. Bên cạnh đó là tiến hành khám định kỳ để thay đổi liều dùng thuốc khi cần thiết.
Nếu xuất hiện cơn khó thở, ho tăng, sử dụng thuốc cắt cơn không hiệu quả, khuyến cáo người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời giữ ấm cổ ngực, tránh gắng sức, tránh hút thuốc, khói bụi...", một bác sĩ khuyến cáo.