Chiều 30/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án.
Pháp lệnh này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành cho ý kiến tại Phiên họp thứ 18, ngày 13/12/2022.
Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao, cho biết, Pháp lệnh gồm 5 chương, 44 điều, quy định trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, nguyên tắc áp dụng, khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bên cạnh việc bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phải bảo đảm các nguyên tắc khác như: Quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; được tham gia, trình bày ý kiến trước tòa án, tranh luận tại phiên họp...
Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định những nguyên tắc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng phải bảo đảm tính đặc thù, phù hợp với người chưa thành niên như: Trình tự, thủ tục phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ; người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định...
Để bảo đảm tốt nhất quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Pháp lệnh quy định thẩm phán được quyền tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp để trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em.
Về thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên, Pháp lệnh quy định thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Cùng với đó, Pháp lệnh cho phép cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp được hỗ trợ người chưa thành niên; việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.