Sáng 1/1, ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng cao tốc để đưa vào vận hành trước 30/4, dù là nghỉ lễ trên đại công trường vẫn nhộn nhịp thi công.
Theo ông Thái, gần như 100% cán bộ, công nhân, máy móc… được điều động để thi công, làm việc xuyên lễ. Đại diện ban quản lý cũng có mặt tại công trường để động viên tinh thần anh em thi công.
Cũng theo ông Thái, trước đó vào ngày 31/12/2022, dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đủ điều kiện để thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến chính, xe cộ có thể đi lại thông suốt trên toàn tuyến, việc thi công cũng thuận lợi hơn.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một phần trong dự án cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sân bay quốc tế Long Thành, tạo liên kết vùng và tạo đòn bẩy phát triển cho các địa phương trong khu vực.
Cao tốc đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai với chiều dài khoảng 99 km. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 51,3 km, được chia làm 2 gói thầu xây lắp số 3 và 4.
Điểm đầu dự án nằm trên đoạn tuyến nối từ Quốc lộ 1A, điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với vận tốc thiết kế 120 km/h, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe.
Các khó khăn chung ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án như dịch bệnh, nguồn vật liệu khó khăn. Khi dịch bệnh và nguồn vật liệu tạm ổn, miền Nam lại bước vào mùa mưa sớm so với những năm trước và kéo dài dẫn đến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Cũng theo đại diện ban quản lý, để đảm bảo được mục tiêu thông xe kỹ thuật, thời gian qua các nhà thầu đã tập trung triển khai huy động rất nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt sau buổi lễ phát động thi đua 120 ngày/đêm và chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Các nhà thầu đã huy động bổ sung thêm 150 nhân lực, 50 máy thi công, hơn 100 xe vận chuyển các loại, 2 trạm trộn bê tông xi măng và điều chỉnh 1 trạm bê tông xi măng sang sản xuất cấp phối đá dăm gia cố xi măng.
Ngoài ra nhà thầu còn tăng cường thêm 3 trạm bê tông nhựa, tổ chức thêm 15 dây chuyền thi công nền đường, 5 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm, cấp phối đá dăm gia cố xi măng và bố trí làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp.
Nhờ vậy sản lượng công việc tăng nhanh và đảm bảo thời gian thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành trong tương lai gần.