Chiều 2/1, ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, tuyến buýt TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) – huyện Cần Đước (Long An) cự ly chặng đường dài 66 cây số có 14 xe buýt chất lượng cao được trang bị máy lạnh theo tiêu chuẩn khí thải Euro 4, giảm ô nhiễm môi trường, camera hành trình, camera trước, sau... với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Thời gian xe chạy từ 4 giờ 45 đến 20 giờ mỗi ngày, mỗi chuyến cách nhau 20 phút. Tuyến buýt này đã chính thức đi vào hoạt động tử ngày 1/1.
Điểm xuất phát bến xe Tiền Giang - Ấp Bắc - Quốc lộ 60 - Quốc lộ 1 - đường dẫn cao tốc - vòng xoay Thân Cửu Nghĩa - đường dẫn cao tốc - ngã tư Lương Phú - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 60 - Ấp Bắc - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Thủ Khoa Huân - Hùng Vương - Quốc lộ 50 - Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang - Hùng Vương - Thủ Khoa Huân - Đinh Bộ Lĩnh - Quốc lộ 50 - Đồng Khởi - Võ Duy Linh - Trần Công Tường - Thủ Khoa Huân - Nguyễn Trãi - Nguyễn Trọng Dân - Từ Dũ - Quốc lộ 50 - Bến xe Cần Đước (Long An).
Đây là tuyến buýt thứ 2, sau tuyến buýt chất lượng cao Mỹ Tho – Mỹ Thuận, huyện Cái Bè (Tiền Giang) do Công ty CP vận tải ô tô Tiền Giang đầu tư.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho rằng, đưa xe buýt chất lượng cao sẽ kết nối với các tuyến xe buýt khác, tạo mạng lưới vận tải liên tục trên địa bàn tỉnh. "Người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, góp phần làm giảm phương tiện giao thông cá nhân, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn toàn tuyến", ông Bon khẳng định.
Dù tuyến buýt Mỹ Tho – Cần Đước được công bố cụ thể lộ trình như vậy, song hiện nay nhà xe chỉ mới phục vụ hành khách đến cầu dốc Mỹ Lợi, thị xã Gò Công (Tiền Giang). Vì sao xe chưa vào bến tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước? Theo Công ty CP vận tải ô tô Tiền Giang, việc này do UBND huyện chưa sắp xếp được bến đậu. Thực tế cho thấy, việc chưa chạy hết lộ trình gây khó khăn ít nhiều trong quá trình vận chuyển hành khách.