Dân Việt

Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-Covid" và những tác động tới Việt Nam

Chính quyền Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 kể từ ngày 8/1/2023.

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiến tới mở cửa hậu đại dịch sẽ tác động đến kinh tế - xã hội toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Quá trình phục hồi kinh tế và mở cửa có thể diễn ra vào đầu năm 2023, giúp mở ra cơ hội phục hồi một số nhóm ngành, lĩnh vực của Việt Nam trong trung hạn.

Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-Covid" và những tác động tới Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phục hồi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ góp phần giảm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, tắc nghẽn hàng hóa tại các cảng biển. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc giữ vai trò công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng sản lượng sản xuất toàn cầu và cung ứng nguồn hàng lớn cho thế giới thông qua đường biển. Hoạt động thương mại thế giới khoảng 90% diễn ra trên tuyến đường biển.

Việc các thành phố kinh tế - sản xuất lớn như Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến dần nới lỏng sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, chế tạo và tiêu dùng, thương mại.

Đồng thời, cảng container ở Thượng Hải nếu gia tăng công suất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí vận chuyển giảm thiểu. Đây là cảng quy mô lớn nhất thế giới, là nơi vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các quốc gia khác.

Hơn nữa, việc hàng hóa được thông quan vận chuyển dễ dàng cũng giúp duy trì ổn định mối quan hệ thương mại giữa các nước trong khu vực.

Các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, nối lại đường bay giữa hai nước. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), Việt Nam nhập khẩu hơn 30% nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc chủ yếu máy móc, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn. Việc giá cước vận tải hạ nhiệt hơn 50% từ đầu năm, hàng hóa lưu thông trở lại, thời gian nhập khẩu nguyên liệu không bị chậm trễ sẽ giúp cải thiện hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.

Theo Agriseco, nhóm doanh nghiệp có thể hưởng lợi bao gồm cơ khí, dệt may, da giày, điện tử, ô tô. Mặt khác, giá một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào có thể tăng trở lại khi nhu cầu hồi phục như sắt thép, xi măng, kim loại cơ bản cũng sẽ cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp. Nhóm doanh nghiệp xuất khẩu chính vào Trung Quốc kỳ vọng sẽ phục hồi như cá tra, dệt may, cao su.

Nhu cầu năng lượng phục hồi

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 22% tổng lượng dầu nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu năng lượng (xăng, dầu) dự báo sẽ trở lại mức bình thường trong khi các hoạt động giao thông, thương mại của Trung Quốc hồi phục hoàn toàn.

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế, giá dầu trong ngắn hạn có thể biến động nhưng trong năm 2023 dự kiến trung bình ở mức 96 USD/thùng, cao hơn 15% so với hiện tại.

Tuy nhiên, giá xăng dầu là yếu tố bất định do đó sự thay đổi giá nhiên liệu cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như suy thoái kinh tế, cuộc xung đột chính trị.... Giá xăng dầu tăng có thể gây áp lực lạm phát toàn cầu.

Bloomberg ước tính khi Trung Quốc mở cửa sẽ khiến giá năng lượng tăng 20% và CPI Mỹ tăng 5,7% vào cuối năm. Agriseco cho rằng, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên giá xăng dầu tăng sẽ gây sức ép tăng lạm phát, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.

Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng do xăng, dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam.

Tình hình xuất khẩu được cải thiện

Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng các năm gần đây. Trong đó, xu hướng Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chính cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam như linh kiện điện tử, dệt may, hóa chất… Việc Trung Quốc mở cửa có thể giúp cải thiện tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần trong các tháng gần đây.

Riêng với thị trường Trung Quốc, giá trị xuất nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2022 do các chính sách kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ của nước này.

Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-Covid" và những tác động tới Việt Nam - Ảnh 3.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16% trong tổng giá trị xuất khẩu và là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 28% trong tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2022.

Với đặc thù địa lý gần gũi, nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Xét trong khu vực ASEAN, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc/GDP của Việt Nam là 15,3%, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore với tỷ trọng 17%. Qua đó, Việt Nam có thể là một trong số các nước hưởng lợi lớn nhất từ xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa hậu “Zero - COVID”.

Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-Covid" và những tác động tới Việt Nam - Ảnh 5.

Ngành dịch vụ, du lịch khả năng phục hồi

Ngành du lịch Việt Nam hồi phục mạnh mẽ trong năm qua sau khi mở cửa trở lại hậu đại dịch. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 578.700 tỷ đồng, tăng trưởng 53,5% so với cùng kỳ.

Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.661.200 lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trung Quốc là quốc gia chiếm khoảng 1/3 sản lượng du khách quốc tế tới Việt Nam trước dịch COVID-19, do đó, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách “zero-COVID” kỳ vọng sẽ tăng nhu cầu du lịch của người dân này tăng lên.

Hiện tại, nếu chưa bao gồm Trung Quốc, Agriseco ước tính sản lượng khách quốc tế đã hồi phục về mức bình quân khoảng 30% so với trước dịch.

Kỳ vọng với xu hướng các quốc gia trên thế giới đều hướng tới việc mở cửa nền kinh tế, sản lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng mạnh trong các năm kế tiếp.

Đầu tư nước ngoài xu hướng gia tăng từ Trung Quốc

Giai đoạn 2015 - 2022, tổng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng kép bình quân là 17%/năm. Vốn đầu tư từ Trung Quốc có xu hướng chững lại trong 3 năm đại dịch bởi các biện pháp đóng cửa biên giới, đường bay.

Mặc dù vậy, xu hướng dịch chuyển vẫn tiếp tục khi có nhiều dự án nổi bật từ Trung Quốc đã liên tục đầu tư mở hoặc tăng thêm vốn để mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-Covid" và những tác động tới Việt Nam - Ảnh 7.

Trong năm 2022, số lượng dự án FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam, chiếm 10,9% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới trong năm (tính đến 20/12/2022).

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại các đường bay, biên giới với Việt Nam, kỳ vọng dòng vốn FDI từ Trung Quốc sẽ tăng trở lại. Các doanh nghiệp FDI vẫn sẽ có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong tương lai.

Do đó, Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ thu hút vốn FDI từ Trung Quốc do khoảng cách địa lý gần và chi phí nhân công, sản xuất thấp.

Trên thực tế, dòng vốn đầu tư FDI của Trung Quốc chủ yếu thông qua các hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết vào các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trung Quốc tập trung đầu tư vào các tỉnh gần biên giới, thuận lợi giao thương và chủ yếu là các ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày.