Dân Việt

Nếp nhà cũ xứ Nghệ thân thương

Nguyên Khôi 04/01/2023 13:00 GMT+7
Nằm trong căn nhà còn thơm mùi vôi vữa, tôi vừa nghe tiếng chổi quét sân của chị gái, vừa hít hà đâu đó trong gió lạnh mùi nước chè chát nấu của cha…, thấy cuộc sống bình yên đến lạ.

Ở xứ Nghệ, thời bao cấp, giống như bao gia đình công chức khác, gia đình tôi không có ngôi nhà đích thực của mình. Cả nhà - gồm 5 thành viên, sống nhờ trong căn phòng tập thể ọp ẹp của công ty thực phẩm cũ. Cứ ở vài năm, nhà tôi lại bị công ty chuyển sang khu khác. Mang tiếng "người nhà nước", nhưng gia đình tôi chỉ hơn các gia đình nông dân là thi thoảng bữa cơm có miếng thịt, con cá, còn nhà ở thì không bằng...

Nên, cái năm gia đình tôi quyết định chọn đất để làm nhà riêng thật đáng nhớ!

Nếp nhà cũ xứ Nghệ thân thương - Ảnh 1.

Ngôi nhà xứ Nghệ. Ảnh: B.G.T

Ngày dọn vào nhà ở, cha tôi vui lắm, đi đâu ông cũng khoe, bảo bao công sức của gia đình giờ mới có được như vậy. Nhà này rất mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và chống chọi được bão cấp 12. Ông nói vậy thôi, chứ tôi thấy ngôi nhà xứ Nghệ nào chẳng giống như thế…

Đó là một mảnh đất ở cánh đồng ngập nước, nằm nép bên triền đê sông Lam, toàn cỏ dại và ếch nhái kêu inh ỏi suốt ngày. Nhìn mỏi mắt mới thấy 1-2 căn nhà ở tít cuối cánh đồng xa. Đích thực đây là khu "khỉ ho cò gáy". Tôi và mẹ có ý chê thì cha tôi bảo, "có đất cắm dùi thế này là còn may...".

***

Cha tôi- một người đàn ông xứ Nghệ quyết đoán đến mức gia trưởng, đã quyết thì không ai có thể lay chuyển. Vậy là không ai bàn gì thêm, cả nhà tôi cùng bắt tay thực hiện công trình của đời mình.

Việc đầu tiên là đào ao để lấy đất đắp nền nhà. Ngày nào đi làm về, cha và mấy người anh ở bên nội, ngoại hò nhau lội ruộng, không kể nắng mưa, lạnh nóng để đào đất đắp nền. Ai nấy quần áo tả tơi, đầy bùn đất. Nhiều hôm còn đào được cả những búa, rìu, chày giã… bằng đá. Trong suy nghĩ của đứa trẻ lúc đó, tôi chỉ ước cha đào được… hũ vàng thì gia đình giàu to.

Đất từ ao đưa lên không đủ, sáng tinh mơ cha tôi còn tất tả gánh đất từ bờ sông Lam về đổ nền, rồi đổ làm vườn. Cứ 4-5 giờ sáng, ông lại cần mẫn đi gánh đất, khi nào được 30 gánh đất mới chịu nghỉ để đi làm. Tôi còn bé không gánh đất được, nên cha bảo đi cùng ông ra bờ sông để giữ cuốc, xẻng khỏi mất trộm. Nhiều hôm tôi còn ngủ gật ngay bên vạt đất sông Lam cha đào.

Đào, đổ đất mãi cũng ra được cái nền nhà. Cha lại hì hục đi gom góp gỗ lạt, rồi đóng gạch xây nhà… Mất mấy tháng, cuối cùng hình hài của ngôi nhà cũng xong. Đó là một ngôi nhà rất đặc trưng xứ Nghệ: Nhà 3 gian lợp ngói đỏ, 12 cột kèo và được xây bằng gạch đỏ. Mặt ngoài của ngôi nhà còn đắp xi măng con số to tướng của năm xây dựng: 1984. Bên trong ngôi nhà, mẹ tôi vốn là dân thương nghiệp nên sắm nhiều đồ dùng khá "mốt" của thời đó: Chăn con công, rèm con phượng, khăn trải bàn hoa, bộ bát sứ Hải Dương... Mẹ sắm cái gì thì tùy, riêng cha chỉ bảo ở giữa gian chính của căn nhà để ông tự thiết kế bàn thờ Bác Hồ! Cha tôi yêu Bác và "cách mạng dã man"- chị tôi bảo thế!

Xung quanh nhà, cha trồng hàng rào dâm bụt. Tôi còn nhớ đến mùa hè, hoa dâm bụt nở đỏ cả lối đi, ngồi trên đê nhìn xuống trông rất đẹp. Mấy em hàng xóm với tôi sau này qua nhà tôi chơi vẫn hay hái hoa này cài lên tóc...

Nếp nhà cũ xứ Nghệ thân thương - Ảnh 3.

Sông Lam đoạn chảy qua huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Công Khang

Ngày dọn vào nhà ở, cha tôi vui lắm, đi đâu ông cũng khoe, bảo bao công sức của gia đình giờ mới có được như vậy. Nhà này rất mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và chống chọi được bão cấp 12. Ông nói vậy thôi, chứ tôi thấy ngôi nhà xứ Nghệ nào chẳng giống như thế. Mùa hè tôi vẫn thấy nóng, nhiều hôm nắng 40 độ, tôi và chị gái, em trai còn phải chui xuống gầm giường- là nơi ẩm thấp, để tránh nóng. "Như 3 con chó con luôn"- cha tôi trêu thế. Còn mùa mưa bão, khi cha và mẹ tôi phải trực ở cơ quan, chị em tôi còn phải ngồi ôm nhau để tránh những cơn gió rít làm rung rinh cả nhà và cả những viên ngói rơi xuống...

***

Từ ngày có nhà mới, tôi thấy mình cũng như đổi khác. Tôi thích nhất những buổi sáng sớm mùa đông, nằm co ro trong chăn ấm nhưng vẫn nghe được tiếng chổi rành chị gái quét sân, và thoang thoảng đâu trong gió lạnh là mùi nước chè chát cha tôi nấu.

Tôi cũng thích những bữa ăn của cả nhà được dọn ngay giữa sân nhà mới. Cha mẹ vừa ăn vừa bàn chuyện công việc và không quên dạy chúng tôi về các lễ nghi của cuộc sống, học hành. Trong khi, chị em tôi vẫn chí choé nhau ai dọn mâm, rửa bát... Ở quê thường ăn muộn, có khi ăn xong, cả nhà còn ngồi nán giữa sân hóng mát và ngắm trăng sao. Nếp nhà xứ Nghệ sao đỗi thân thương quá!

Là con trai, tôi thường phải phụ mẹ ra vườn cuốc đất trồng rau. Ở quê tôi, nhà nào cũng có một mảnh vườn, mùa nào thức nấy, khi thì trồng bắp cải, dưa leo, khi thì đậu, cải, xu hào... đủ cả. Đó là chưa kể ở dưới ao mà cha tôi đã đào, mẹ còn thả rất nhiều rau muống nước. Ăn không hết thì đem bán. Có nhiều hôm mẹ còn hái được 30-40 mớ rau muống, bắt tôi và chị gái gánh ra chợ Sa Nam để bán. Tôi thì vui vì được ra chợ, còn chị tôi đang tuổi cập kề nên cũng thấy thẹn thùng.

Góc xa của ngôi nhà, cha còn thiết kế cái chuồng gỗ nuôi lợn để tăng thêm thu nhập. Lứa nào mẹ cũng nuôi dăm ba con. Nhiệm vụ của chị tôi là nấu cám lợn, còn tôi đi học về là lao đi vớt bèo, tìm chuối về thái cho lợn ăn. Để vật nuôi mau lớn, tôi còn theo đám bạn trong xóm ra đồng đi bắt nhái, chẫu chàng về làm thức ăn tươi cho chúng. Ở trong nhà, tôi còn nghe rõ tiếng lợn táp vào máng ăn rất vui tai, rồi nghĩ bụng, ăn nhiều như thế không lớn nhanh mới lạ.

Cũng có những dịp lợn ốm, cả nhà tôi ai nấy lo sốt vó. Nó mà chết thì bao tiền của, công sức trôi sông trôi biển hết. Ngôi nhà vốn tràn ngập tiếng cười của chúng tôi những hôm đó cũng buồn hẳn. Cũng may, nó chỉ ốm vài hôm rồi khỏi, lợn mà chết thì không biết ra sao nữa...

Từ năm 1984 đến nay, ngôi nhà của cha mẹ tôi đã đập và xây mới 2 lần. Bây giờ cha mẹ tôi đã sống trong một ngôi nhà mới khá khang trang, tiện nghi tương đối đầy đủ. Nhưng mái nhà của những ngày đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp, tôi vẫn nhớ và thích nhất.

Đó có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi, là nơi chứa nhiều ký ức tuổi thơ và về một thời gian khó của gia đình tôi.