Dân Việt

Một tập đoàn của Hàn Quốc muốn mua một thứ từ rừng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc

K.Nguyên 05/01/2023 06:00 GMT+7
Công ty lâm nghiệp SK thuộc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề mua tín chỉ các bon ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có nội dung quy định về thị trường các bon và mục tiêu đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường các bon  tại Việt Nam. 

"Điều đáng mừng là hiện có nhiều đối tác, doanh nghiệp muốn tiếp cận mua tín chỉ các bon của Việt Nam. Như Công ty lâm nghiệp SK thuộc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề mua tín chỉ các bon  ở một số tỉnh miền núi phía Bắc hoặc Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (Emergent) – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) đã ký Ý định thư với Bộ Nông nghiệp và PTNT về mua bán kết quả giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ", ông Bảo thông tin. 

Một tập đoàn của Hàn Quốc muốn mua một thứ từ rừng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Công ty lâm nghiệp SK thuộc Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề mua tín chỉ các bon ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trong ảnh: Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập (Phú Thọ) kiểm tra rừng keo chuyển hóa gỗ lớn của người dân xã Đồng Lạc. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, một số địa phương cũng rất mong muốn được thực hiện thí điểm tại địa phương và đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được xây dựng Đề án thí điểm như tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Đăk Lăk,...

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, Việt Nam có 4 vùng mà rừng có khả năng hấp thụ các bon lớn là miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ thông qua ký kết của Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn carbon dioxide trong giai đoạn 2018 – 2024 với giá 5 USD/tấn. 

Điều đáng mừng là ngay trong chu kỳ báo cáo đầu tiên 2018 – 2019, Việt Nam đã đủ lượng giảm phát thải như đã ký thỏa thuận với WB.

Ngày 28/12/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Ông Trần Quang Bảo cho biết, với Nghị định này, số tiền từ việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các bon cho Quỹ đối tác Các-bon Lâm nghiệp thông qua WB (đơn giá chuyển nhượng 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD) sẽ có cơ sở để phân bổ cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên (ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cư ...). 

Việc thực hiện chi trả cơ bản giống như chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay nhưng về nguồn chi trả cho các chủ rừng là tổ chức sẽ ưu tiên cho các hoạt động trong Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng gồm  khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư. 

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn thu từ Thỏa thuận góp phần quản lý bảo vệ 2,2 triệu ha rừng tự nhiên của vùng Bắc Trung Bộ; tạo nguồn thu, giảm áp lực chi ngân sách cho các tỉnh tham gia thực hiện. 

So sánh kết quả dự kiến thu được từ thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với kết quả trung bình 2 năm 2019 và 2020 thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hiện hành ở 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cho thấy: nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ dự kiến thu được gấp 1,16 lần nguồn thu trung bình từ DVMTR hiện nay; dự kiến trung bình thu được khoảng 217.948 triệu đồng/năm, tương đương với 114,65% nguồn thu DVMTR hiện nay. 

Diện tích rừng được chi trả trong thực hiện gấp 2,11 lần, số hộ gia đình và cộng đồng dân cư được hưởng lợi trong thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ gấp 3,2 lần so với chi trả DVMTR hiện nay.