Ngày 4/1, ông Hồ Hữu Tài, Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát), Trần Thanh Vinh (51 tuổi, phó giám đốc) cùng 6 người khác thuộc Trung tâm đăng kiểm 50-17D bị Công an huyện Nhà Bè khởi tố, bắt giam.
Những người này nằm trong số 43 nghi can bị Công an TP HCM cùng các quận huyện bắt để điều tra trong vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Quá trình điều tra, ông Tài, với chức danh giám đốc trung tâm đăng kiểm khai nhận mình không biết chữ, học đến lớp 3 cách đây hàng chục năm. Hoạt động kiểm định ở trung tâm do ông Vinh - đăng kiểm viên, phó giám đốc điều hành và ký giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe cơ giới.
Cơ quan điều tra xác định, ông Phong với tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty An Phát đã xin phép thành lập Trung tâm đăng kiểm 50-17D từ năm 2019. Do ảnh hưởng dịch bệnh, nơi đây hoạt động không hiệu quả, dẫn đến nợ nần.
Do nợ tiền ông Tài, Phong gán cổ phần của Trung tâm đăng kiểm 50-17D và đưa chủ nợ lên làm giám đốc. Hai người sau đó thông đồng, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ, bỏ qua lỗi vi phạm để tăng doanh thu.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về tiểu chuẩn để làm đăng kiểm viên và lãnh đạo trung tâm đăng kiểm?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, để được thực hiện hoạt động kiểm định, cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm phải đáp ứng các điều kiện rất ngặt nghèo, chặt chẽ về cơ sở vật chất và nhân lực.
Cụ thể các điều kiện được quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
Theo đó, nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện như mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.
Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định. Có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các quy định tại Điều 5, 6, 7 Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Theo luật sư Khuyên, tiêu chuẩn đăng kiểm viên và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên được quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 139/2018 cũng đã phải trình độ thấp nhất là "Đại học".
Cụ thể, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí.
Trong chương trình đào tạo đại học có các nội dung như lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương. Trường hợp không đầy đủ các các nội dung trên, có thể được đào tạo bổ sung tại các trường đại học.
Ngoài ra, phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định. Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Trong khi đó, điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí.
Trong chương trình đào tạo đại học phải có đầy đủ các nội dung như lý thuyết ô tô, cấu tạo ô tô, kết cấu tính toán ô tô, bảo dưỡng kỹ thuật ô tô, động cơ đốt trong và điện ô tô hoặc các nội dung tương đương.
Bên cạnh đó phải là đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng và có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Còn đối với nhân viên nghiệp vụ kiểm định cũng yêu cầu phải có trình độ tối thiểu tốt nghiệp trung cấp nghề và được Bộ Giao thông vận tải tập huấn cấp chứng chỉ.
"Riêng Điều 24 Nghị định 139/2018 quy định tiêu chuẩn của lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là bắt buộc phải từng là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm xe cơ giới tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định" – vị luật sư thông tin.