Cải cúc còn có tên gọi được sử dụng nhiều nhất là rau tần ô, là loại cây thân thảo, mọc thẳng đứng và có chiều cao trung bình từ 0,4 – 0,6m, một số cây có thể cao đến 1m. Lá cải có màu xanh lục, mềm và có hình dạng chẻ như lông chim và mọc so le nhau. Khi nở hoa thì ở mép ngoài của hoa có màu trắng nhạt, ở giữa có màu vàng sấm rất thơm.
Cải cúc bắt nguồn ở vùng Địa Trung Hải, rồi du nhập sang các nước châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, cải cúc được trồng nhiều ở các địa phương của miền Bắc, còn miền Nam thì chủ yếu được trồng ở Lâm Đồng.
Từ thời xa xưa, cải cúc đã được mệnh danh là món “rau Hoàng đế”, “vua của các loại rau” và thường xuyên có mặt trong những bữa tiệc cung đình ở Trung Quốc.
Được coi là loại rau dân dã, dễ trồng nhưng cải cúc chữa được nhiều bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bởi trong rau cúc chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: 1,85% protid, 2,57% glucid, 0,43% lipid và nhiều vitamin A, B, C…
Đông y cho rằng, rau cải cúc có vị ngọt, hơi đắng, the, thơm, tính hơi mát, lành không độc, có tính năng tiêu thực, thanh đàm hỏa, yên tâm khí. Rau có công hiệu chữa trị ho lâu ngày, làm tán phong nhiệt, chữa đau mắt, nên được sử dụng cho các chứng như: ăn kém tiêu, viêm họng, viêm phế quản… nhờ sự có mặt nhiều loại dưỡng chất…
Tiêu sưng, lợi tiểu: Nhiều axit amin, chất béo, protein và nồng độ natri cao cùng kali và các khoáng chất khác có trong cải cúc sẽ giúp điều chỉnh sự trao đổi chất bên trong cơ thể và loại bỏ phù nề, lợi tiểu.
Những người hay mắc bệnh tâm trạng lo lắng thì cải cúc sẽ là liều thuốc hữu hiệu bởi vì trong cải cúc giàu vitamin, axitamin, carotenoid. Ăn cải cúc hàng ngày sẽ giúp ổn định cảm xúc, bảo vệ não, phòng ngừa bệnh hay quên và các tác dụng khác.
Trong cải cúc có chứa những chất kiềm mật, chất diệp lục có tác dụng tốt cho các bệnh huyết áp, bổ não và những chất xơ tốt cho tiêu hóa, giảm cholesterol…
Rau cải cúc chứa nhiều chất dễ bay hơi, lượng chất xơ dồi dào làm thúc đẩy nhu động ruột, loại bỏ các chất độc hại trong đường ruột, từ đó mang lại tác dụng tốt trong việc phòng chống táo bón.
Trong cải cúc chứa nhiều loại vitamin và các thành phần dưỡng chất giúp làm tăng sự đàn hồi cho da, tái sinh ra tế bào da mới nhanh chóng. Ăn cải cúc thường xuyên thì bạn sẽ có làn da tươi trẻ và sáng bóng hơn.
Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật, cải cúc là loại rau khá dễ sống, có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.
Bà con nông dân có thể trồng cải cúc quanh năm, tuy nhiên, cây sinh trưởng tốt nhất vào hai vụ chính:
Vụ đông xuân: Gieo hạt từ tháng 10 – 11, thu hoạch từ tháng 2-3.
Vụ xuân hè: Gieo từ tháng 4 – 5, thu hoạch từ tháng 8 – 9.
Rau cải cúc cho thu hoạch sau 30 – 40 ngày gieo trồng. Bà con cũng có thể thu hoạch sớm để ăn rau non, thời điểm thu hoạch sau khi gieo là 25-30 ngày.
Khi thu hoạch cần loại bỏ các lá già, lá bị sâu bệnh, chú ý không để dập nát, để nơi khô mát, sau đó đóng vào bao bì sạch để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.