Các chuyên gia cứu hộ và cơ quan chức năng đã thông báo em không qua khỏi. Tất cả mọi cố gắng bây giờ là kéo trụ bê tông lên khỏi hố sâu để đưa em ra. Thật đau buồn. Nhưng khoan hãy lên án, khoan hãy quy trách nhiệm cho ai. Chính quyền địa phương và quân đội cũng đã làm hết cách mà họ có thể. Đây là một tai nạn hy hữu không ai có thể lường trước.
Nhưng có vô số những nguy cơ mất an toàn không hy hữu tí nào mà con em chúng ta đang phải đối mặt. Mới ngày 28/12, hai em bé 6 tuổi và 11 tuổi ở Bình Chánh (TP.HCM) ra đường chơi, chỉ cách nhà 50 mét, tự nhiên mất tích. May là 6 ngày sau, công an đã tìm thấy 2 em ở tận Cà Mau.
Những trường hợp trẻ em đi lạc rồi mất tích không phải là cá biệt. Nhiều em vĩnh viễn không trở về nhà, có không ít em bị kẻ gian bắt cóc. Trẻ em bị tai nạn trên đường, nơi cư trú, đi mưu sinh những nơi hẻo lánh … không phải là hiếm thấy. Có nhứng trẻ bị hành hạ nơi nhà trẻ, trường mẫu giáo và trong ngay gia đình. Có trường hợp hành hạ đến chết mà công luận từng phẫn nộ.
Sau 37 năm Đổi Mới, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, công cuộc xoá đói giảm nghèo đạt được những thành tựu ngoạn mục. Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng được hưởng những thành tựu đó. Ở nông thôn và miền núi, số trẻ em không đủ cơm ăn áo mặc, không có cơ hội đến trường, phải sớm mưu sinh để giúp đỡ gia đình không hề nhỏ. Đằng sau những con số thống kê, đằng sau những thành tựu gây hứng khởi cho dân chúng còn có vô số những cảnh tượng thương tâm mà thành phấn yếu đuối bất hạnh nhất là các em nhỏ. Các em không được an toàn về thân thể, không có cơ hội phát triển về thể lực và trí lực và luôn đối mặt với những rủi ro.
Trách nhiệm đối với sự an toàn của trẻ em trước hết là của cha mẹ, kế đó là trách nhiệm của cộng đồng. Và quyền được an toàn của trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước. Nước ta còn nghèo, chúng ta không yêu cầu Nhà nước làm những thứ mà ngân sách quốc gia không đủ sức. Nhưng Nhà nước nhất định phải bảo đảm những quyền tối thiểu cho trẻ em được quy định trong Hiến Pháp.
Hiến Pháp và luật pháp quốc gia quy định giáo dục bắt buộc đến cấp tiểu học, là mức phổ cập rất thấp so với thế giới. Có nghĩa là mọi trẻ em trong độ tuổi này đều đi học hoàn toàn miễn phí, cha mẹ chúng không phải trả một xu nào cho trường học. Đối với nhiều trường hợp, dù có miễn phí hoàn toàn cũng không thể đi học được, vì vậy nhà nước cần phải bảo đảm những điều kiện tối thiểu, điều có thể làm được là nhà nước cấp cho các em bữa ăn miễn phí và quần áo, sách vở miễn phí.
Nhà nước không có trách nhiệm giữ an toàn cho từng đứa trẻ, nhưng điều nhà nước có thể làm là ban hành các quy định kèm theo chế tài nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho các em tại nơi công cộng, nơi vui chơi, trong các quy tắc xây dựng, kể cả xây dựng nhà ở gia đình. Các đội cứu hộ trẻ em phải được thiết lập một cách tinh nhuệ như các đội phòng cháy chữa cháy kết hợp với các đội đặc nhiệm của công an và quân đội trang bị đầy đủ các phương tiện với công nghệ hiện đại sẵn sàng chống bắt cóc và cứu giúp các em một cách nhanh nhạy mọi lúc mọi nơi.
Các đoàn thể, từ Hội Phụ nữ đến Đoàn Thanh Niên, Đội Thiếu niên, Đội Thiếu niên … thời gian qua chưa thực sự làm gì được nhiều để bảo vệ trẻ nhỏ. Họ cần phải kết hợp với các lực lượng của nhà nước để sẵn sàng cứu hộ và bảo vệ trẻ em. Đoàn, Đội của của chúng ta ngoài các hoạt động xã hội tình nguyện, cần thiết phải tổ chức giúp trẻ em trang bị những tri thức và rẻn luyện các kỹ năng tự vệ, kỹ năng “sống sót” trong mọi tình huống. Điều này trước đây phong trào Hướng đạo làm rất tốt, Đoàn – Đội của chúng ta nên học.
Thái độ đối với trẻ em và đối với mẹ mình là hai cái chốt chặn mà nếu rơi xuống dưới, ta sẽ không còn nhân tính. Kẻ nào xấu với trẻ em hoặc xấu với mẹ của họ thì tất cả cái gọi là tốt của kẻ đó đều là giả dối. Tôi rất tâm đắc với lời giảng của nhà giáo dục Nga Makarenko : Khi người ta tìm thấy trong túi áo của kẻ sát nhân (trong một tiểu thuyết của Dostoevsky) một mẩu bánh mì anh ta để dành cho một đứa trẻ nghèo khó, mẩu bánh mỳ đó có giá trị như một lá đơn xin ân xá.