Ngày 8/1, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM đã diễn ra Ngày hội tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn quyết định tương lai” năm 2023. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, lãnh đạo nhiều trường đại học lớn ở TP.HCM, các chuyên gia tuyển sinh... để giải đáp thắc mắc cho học sinh và phụ huynh về thông tin tuyển sinh, kỳ thi đánh giá năng lực, việc lựa chọn phương thức xét tuyển và tư vấn chọn ngành, chọn trường...
Chia sẻ tại ngày hội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT khẳng định, năm 2023 Bộ GDĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới mà sẽ giữ nguyên như năm 2022. Điều này sẽ giúp giữ được sự ổn định, để thí sinh có tâm lý tốt hơn.
Trong quy chế tuyển sinh năm 2022, các trường sẽ cung cấp thông tin tới học sinh một cách đầy đủ nhất thông qua nhiều kênh. Một lợi thế dành cho tất cả các thí sinh là các bạn có thể tham gia xét tuyển nhiều trường khác nhau, tuy nhiên cần lưu ý là nguyện vọng xét tuyển đều phải được ghi nhận, được đăng ký trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT.
Đối với quy định các trường đại học không được xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng đây là thông tin không chính xác. Trong hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm vừa rồi, Bộ GDĐT có khuyến cáo các trường nếu không cần thiết thì không cần xét tuyển sớm. Nguyên nhân là vì có xét tuyển sớm thì cuối cùng, tất cả học sinh đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ. Do đó, việc xét tuyển sớm không được khuyến khích nếu như vẫn sử dụng kết quả học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Theo quy chế, các trường được quyền hoàn toàn có thể tổ chức xét tuyển sớm. Việc cung cấp thông tin cho thí sinh khi xét tuyển xong chỉ là tạm thời hoặc trúng tuyển có điều kiện. Do đó, các trường vẫn có thể tổ chức xét tuyển sớm bình thường nếu như các trường có nhu cầu”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, dù thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành, nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều - nhất là khi đã được cung cấp thông tin tuyển sinh, định hướng, định hình về nghề nghiệp mà bản thân có sở trường, thế mạnh và mong muốn làm việc sau này.
Chưa kể, việc đăng ký này cũng diễn ra sau khi thí sinh biết kết quả thi tốt nghiệp THPT, nghĩa là thí sinh biết được thực lực của bản thân có thể đỗ vào trường, ngành nào với nguyện vọng ưu tiên nào. Do đó, thí sinh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới, ngành nào thích nhất thì đặt vào số 1.
"Nếu các em tham gia xét tuyển sớm ở các trường, nhận được thông báo trúng tuyển tạm thời (trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT), nếu đó là nguyện vọng 1 thì chắc chắn các em sẽ đỗ vào trường đó, vào nguyện vọng đó. Đây là lợi thế của hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, dù nguyện vọng là không giới hạn, đăng ký bao nhiêu cũng được", bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, năm 2022, có những thí sinh đăng ký cả trăm nguyện vọng, nhưng đây là điều không cần thiết bởi như đã nói, thí sinh phải biết được thực lực của mình và đăng ký vào trường mà mình mong mỏi. Thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất có thể. Khi dừng ở nguyện vọng này, thí sinh không được xét ở các nguyện vọng sau. Quy định này giúp hạn chế số lượng thí sinh ảo, không gây ra nhiễu loạn trong quá trình xét tuyển.
“Với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, thí sinh có thể yên tâm về sự công bằng, minh bạch và tạo cơ hội tối đa cho các em”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, sắp tới, Bộ GDĐT sẽ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật để giao diện đăng nhập dễ dàng hơn, tránh sai sót đáng tiếc.