Năm 2023, các kỳ tuyển sinh riêng tiếp tục “lên ngôi”?

Thu Thủy Thứ năm, ngày 05/01/2023 13:55 PM (GMT+7)
Ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM… tổ chức kỳ thi riêng thì năm nay, 7 trường đại học khác cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển đại học 2023. Điều này thể hiện xu hướng tất yếu, tính tự chủ đại học.
Bình luận 0

Thi riêng, tuyển sinh chung

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội nâng tổng số địa điểm thi đánh giá năng lực lên con số 17, quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kế hoạch tổ chức 8 đợt thi là từ ngày 10/3/2023 đến hết ngày 4/6/2023.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ thêm, năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Nhiều trường đại học phản hồi đánh giá cao nguồn tuyển thí sinh dùng bài thi này. Năm 2023, do các trường đang xây dựng đề án tuyển sinh nên chưa có số liệu tổng hợp. Điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay là giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi nhằm tránh gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác có nhu cầu dự thi.

Năm 2023, dự kiến kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tăng 2 đợt so với năm 2022, được tổ chức vào tháng 5, 6 và 7. Năm 2022 có trên 20 cơ sở đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh. Năm nay dự kiến, bài thi đánh giá tư duy được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thí sinh theo hướng gọn nhẹ, rút ngắn thời gian. Các ngành tuyển sinh đại học có thể sử dụng kết quả đánh giá tư duy được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

Năm 2023, các kỳ tuyển sinh riêng tiếp tục “lên ngôi”? - Ảnh 1.

Thí sinh làm bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: BK

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM có 2 đợt thi dự kiến diễn ra vào ngày 26/3/2023 và ngày 28/5/2023 với 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố. Theo thống kê, năm 2022, có 86 trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để tuyển sinh và dự kiến trong năm 2023, có thêm nhiều trường xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực này.

Mới đây nhất, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, một số trường thống nhất sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023 gồm Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Khoa sư phạm thuộc Đại học Vinh, Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Khoa Sư phạm thuộc Đại học Quy Nhơn. Năm 2022, đây chỉ là kỳ thi riêng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chia sẻ với báo chí, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2023 vẫn là trắc nghiệm 70% và 30% là tự luận, theo chương trình phổ thông đang học. Bài thi hoàn toàn nằm trong chương trình, không cần ôn ở lò luyện.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, trường dự định kỳ thi sẽ được tổ chức thành nhiều đợt và có thể tổ chức ở cả các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội, không gây xáo trộn cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, vốn được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập. Ông không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch, và ôn luyện thông qua các lò luyện thi truyền thống.

Phải đảm bảo công bằng, công khai

Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, các trường tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT; chủ động hợp tác, liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy tại các địa phương, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo đồng thời tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho thí sinh, tránh việc thí sinh phải đi lại tốn kém hoặc phải tham dự nhiều kỳ thi; tiến tới hình thành các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập.

Việc tổ chức tuyển sinh phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng. Đổi mới công tác tuyển sinh, đề án tuyển sinh, xác định phương thức, hình thức tuyển sinh cần phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các trường đại học giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến việc tổ chức các kỳ thi riêng phù hợp là xu hướng tất yếu khi kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn thực sự phù hợp với việc tuyển sinh ở những trường "hot" có mức độ cạnh tranh cao hay những ngành mang tính đặc thù.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chia sẻ với Dân Việt, một chuyên gia đại học cho rằng, khi xác định tuyển sinh riêng, các cơ sở phải đảm bảo đủ điều kiện tổ chức và tính khách quan, công khai và rõ ràng, cụ thể về lộ trình thi, đề thi, quy chế thi…

"Tôi cho rằng quyền lợi của thí sinh phải được đặt lên hàng đầu", chuyên gia này nói.

Nhiều điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển đại học năm 2023. Clip: VTV.VN


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem