Không chỉ sử dụng các loại chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức khảo thí nước ngoài cấp như IELTS, TOEIC, TOEFL, từ năm 2023, một số trường đại học (ĐH) của Việt Nam sẽ xét tuyển thí sính trên cơ sở sử dụng chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) do chính các trường trong nước cấp.
Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào đại học từ năm 2022.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN cho biết, năm 2022,VSTEP được trường tuyển sinh ngang hàng với các loại chứng chỉ quốc tế khác như A-Level, SAT, ACT, IELTS, TOEFL iBT.
Đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT, có kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại ngữ quy định, có chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
“Qua xét tuyển năm đầu tiên, nhà trường nhận thấy, về cơ bản, kết quả tuyển sinh khá ổn. Năm 2023, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển vào trường”- PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho biết.
Cũng theo bà Kim Anh, vì là đáng tin cậy nên ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên.
Thêm 1 kênh đáng tin cậy?
VSTEP là một bài thi được xây dựng khoa học, công phu. Các yêu cầu của bài thi khá khó vì đánh giá toàn diện 4 kỹ năng, yêu cầu thí sinh phải có nền tảng kiến thức, kỹ năng nhất định. Điều này cũng thể hiện được năng lực khảo thí của Việt Nam thay vì lệ thuộc vào bài thi quốc tế.
Mức chi phí trung bình một bài thi VSTEP cỡ 1,8 triệu nên sẽ đỡ áp lực kinh tế với học sinh và phụ huynh so với bài thi quốc tế khoảng 4,6 triệu đồng
Từ khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ ngoại ngữ “made in Việt Nam” này đã được biết đến rộng rãi hơn. Tính đến tháng 8/2022, toàn quốc có 25 trường đại học, học viện được Bộ GD&ĐT công nhận được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học, Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, việc các trường sử dụng bài thi trong nước để tham gia xét tuyển đại học là một chính sách hoàn toàn đúng đắn vì nó đảm bảo được thống nhất và nhất quán về các quy chuẩn của một hệ thống giáo dục.
Mục đích căn bản nhất của việc dạy và học tiếng Anh là phát triển dần các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh để hướng tới giúp các em sau khi hoàn thành bậc phổ thông có thể sử dụng được tiếng Anh như một công cụ giao tiếp quốc tế.
Thực tế chứng chỉ IETLS quốc tế được thiết kế như một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành chung cho các thí sinh đến từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và mang tính học thuật hơn là ứng dụng cho giao tiếp thực tế.
Bên cạnh đó nó không có một chương trình cụ thể phục vụ cho mục đích giảng dạy và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các cấp độ của người học thay vào đó những thí sinh muốn đạt được chứng chỉ này chủ yếu tập trung vào ôn luyện các dạng đề theo khung định sẵn. Điều nguy hại nhất khi để cao chứng chỉ quốc tế này sẽ dẫn đến việc sai lệch mục đích của việc dạy và học tiếng Anh trong bậc học phổ thông.
Từ trước đến nay học sinh và phụ huynh biết đến các bài thi quốc tế hơn vì mục đích đi du học. Nếu thí sinh tạm thời chưa có mục đích du học thì hoàn toàn có thể nghĩ đến hướng tham gia bài thi trong nước để tham gia xét tuyển đại học.
Bộ GDĐT cần nghiên cứu, xem xét sử dụng kết quả bài thi VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, khuyến khích các trường sử dụng chứng chỉ này làm chuẩn vào, chuẩn đầu ra trong đào tạo đại học; có chiến lược lan tỏa bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh của Việt Nam trong khu vực để khi tuyển học sinh Việt Nam, các trường có thể công nhận bài thi này thay cho IELTS hay TOEFL.