Dân Việt

Giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa, hỗ trợ khi lao động thất nghiệp tăng

Thùy Anh 10/01/2023 09:20 GMT+7
Số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 4.2022 trên cả nước là 185.199 người, giảm 17% so với quý 3, song lại tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

TP. Hồ Chí Minh có mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất cả nước

Đây là thông tin được Cục Việc làm Bộ LĐTBXH cho biết dựa trên những báo cáo thống kê từ các trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, thành phố.

Cụ thể báo cáo của đơn vị này cho thấy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là hơn 3,4 triệu đồng, trong đó, mức hưởng bình quân cao nhất cả nước là 5,3 triệu đồng (tại TP. Hồ Chí Minh), mức hưởng bình quân thấp nhất là 2,9 triệu đồng (tại Quảng Nam).

Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận, thẩm định 72.680 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Sở LĐTBXH TP. Hà Nội ra Quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 70.232 người với số tiền hỗ trợ 1.873 tỷ đồng; tư vấn giải quyết việc làm cho 72.680 người; hỗ trợ học nghề 1.581 người, số tiền hỗ trợ 7,043 tỷ đồng.

bảo hiểm thất nghiệp

Lao động thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm tại TT Dịch vụ Việc làm Hà Nội. Ảnh: N.T

Số lượng người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo việc làm, cuối năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 3,18%, đạt kế hoạch <4% mà thành phố đã đề ra từ đầu năm, thấp hơn 0,79 điểm % so với năm 2021.

Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH) cho biết, số liệu trên thể hiện tỷ lệ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp những tháng cuối năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 có tăng. Tuy nhiên đây không phải vấn đề đột biến bởi quý 4, số hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp so với quý trước còn giảm.

Những tháng cuối năm 2022, một số ngành, lĩnh vực ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng do tác động từ tình hình thế giới, dẫn đến giảm lao động, thiếu việc làm ở một bộ phận.

Trước tình hình trên, ông Liễu cho biết, để thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm cho rằng số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng trong đầu năm 2023.

Theo ông Liễu: "Dù một số đơn vị bị ảnh hưởng đơn hàng, thu hẹp sản xuất, nhưng số lao động trong các ngành này chỉ chiếm tỷ trọng ít trong thị trường lao động. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành khác vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh".

Giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp tháo gỡ khó khăn

Trước khả năng, số lao động nộp đơn hưởng BHTN có thể tăng trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần sớm chuẩn bị phương án để hỗ trợ lao động.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, ngoài việc tăng cường giải pháp hỗ trợ chi trả trợ cấp thất nghiệp, việc quan trọng hàng đầu là tư vấn tạo việc làm, giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.

"Hiện nay chúng ta có hàng loạt các giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp, mất việc làm. Có thể kể đến như là trợ cấp tiền mặt hàng tháng, tư vấn dạy học nghề chuyển đổi việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm... tuy nhiên, lao động khi thất nghiệp thì không muốn học nghề, chỉ thích đi làm ngay có tiền. Điều này làm hạn chế khả năng phát huy nâng cao tay nghề, giảm khả năng thích ứng, về lâu dài chính là giảm thu nhập của lao động", bà Hương nói.

BHTN

Lao động làm thủ tục nhận BHTN tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội có chiều hướng tăng ở cuối năm 2022. Ảnh: N.T

Theo bà Hương có thể cần bổ sung quy định trong văn bản pháp luật liên quan tới việc yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải tạo điều kiện để lao động học tập nâng cao tay nghề định kỳ. Yêu cầu này cũng được áp dụng bắt buộc với người lao động. Có vậy thì trình độ, kỹ năng, tay nghề của lao động mới được nâng lên. Khi trình độ được nâng lên thì khả năng thích ứng của lao động với việc làm sẽ cao hơn.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Ngô Xuân Liễu cho rằng, đơn vị này đang tính toán các phương án để hỗ trợ việc làm cho người lao động khi doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất.

Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, để sau khi doanh nghiệp phải cắt giảm lao động có thể bố trí ngay được công việc mới phù hợp với điều kiện, khả năng của người lao động và thị trường lao động ở từng địa phương, khu vực.

"Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm giải pháp để tư vấn hỗ trợ người lao động, chỉ đạo các trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thành phố nâng cao năng lực, hỗ trợ hết công suất nhằm giúp người lao động kết nối tìm kiếm việc làm", ông Liễu nói.