Làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì bị xử phạt như thế nào?

Thứ ba, ngày 20/12/2022 13:49 PM (GMT+7)
Người lao động có hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì có thể phải chịu trách nhiệm như sau:
Bình luận 0

Trách nhiệm hình sự: Theo Khoản 1 Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 và Khoản 2 Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

+ Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

+ Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Lưu ý: Đối với các hành vi phạm tội có tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì bị xử phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

- Trách nhiệm hành chính: Theo Khoản 2 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức chiếm đoạt tài sản dưới 10 triệu đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.

Như vậy, người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chiếm đoạt tài sản dưới 10 triệu đồng sẽ phải chịu mức phạt lên đến 20 triệu đồng.

Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 2 lần mức xử phạt đối với cá nhân.

Ngoài ra, người làm giả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp còn có trách nhiệm nộp lại số tiền mà mình đã nhận theo quy định tại Khoản 3 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.


Theo Bảo Hân/Báo Lao Động (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem