Dân Việt

Nhân chứng bảo vệ Hoàng Sa: "Điều khiến tôi day dứt đến bây giờ"

Diệu Bình 10/01/2023 12:50 GMT+7
Ngày 10/1, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã đến thăm, tặng quà cho các nhân chứng từng sinh sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974, thắp hương cho những người đã ngã xuống.

Gần 50 năm trôi qua, ký ức về việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) khiến những người bước qua cuộc chiến vẫn còn đau xót.

Máu thịt Hoàng Sa - Ảnh 1.

Đại diện chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng thắp hương tưởng nhớ nhân chứng Hoàng Sa. Ảnh: D.B

Nhận nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng quần đảo Hoàng Sa chỉ trong 3 tháng nhưng ông Trần Văn Sơn (SN 1947, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã có đến gần 50 năm sống trong nhớ nhung, dằn vặt. Ông nghĩ, mình đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa trước kẻ địch.

Ông Trần Văn Sơn tham gia lính địa phương thuộc tiểu khu Quảng Nam. Tháng 1/1973, trung đội của ông dưới sự chỉ huy của trung úy Đỗ Công Chương nhận sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam xuống chiến hạm Trần Khánh Dư rời cảng Đà Nẵng ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo.

Ngày 17/1/1974, khi Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn hòng cưỡng chiếm Hoàng Sa, ông nhận lệnh ra làm nhiệm vụ giữ đảo.

"Lúc bấy giờ, ai cũng lo lắng cho tính mạng bởi phía họ (Trung Quốc – PV) rất manh động, nhưng anh em chúng tôi nhắc nhau bằng mọi giá phải giữ đảo quê hương. Thế rồi sau trận hải chiến ác liệt, chiều 19/1, chúng tôi nhận được lệnh rút quân vì lực lượng hai bên quá chênh lệch", ông Sơn nhớ lại.

Máu thịt Hoàng Sa - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Sơn xúc động nhớ lại việc Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Ảnh: D.B

Đã gần nửa thâp kỷ trôi qua nhưng ông Sơn vẫn còn nhớ cảm giác đứng trên thuyền trở lại đất liền, nhìn quần đảo đã bị chiếm, bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, ông vô cùng đau xót.

"Hoàng Sa đối với tôi là cảm giác vừa thân thương vừa đau đớn. Chúng tôi được giao sứ mệnh bảo vệ Hoàng Sa nhưng đã không hoàn thành. Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo này của chúng ta, đó là điều không thể chối cãi", ông Sơn nói.

Chung cảm xúc với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Cúc (SN 1952, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vẫn đau đáu hai tiếng Hoàng Sa cho đến bây giờ.

Ông Cúc là một trong những người bị Trung Quốc bắt giữ sau khi quân đội nước này cưỡng chiếm trái phép quần đảo.

"Chúng tôi bị bắt còn có cơ hội để trở về. Nhưng Hoàng Sa thì đã mất. Đây là điều khiến tôi day dứt cho đến bây giờ", ông Cúc chia sẻ.

Nói về nguyện vọng của mình, ông Cúc xúc động: "Con cháu chúng ta phải luôn nhớ Hoàng Sa là máu thịt của cha ông, Hoàng Sa là của Việt Nam".

Máu thịt Hoàng Sa - Ảnh 3.

Lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đến thăm, tặng quà cho các nhân chứng từng sinh sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974. Ảnh: D.B

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, hoạt động thăm, viếng, tặng quà cho các nhân chứng từng sinh sống, làm việc, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974, nhằm tri ân những người đã bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên Hoàng Sa là một phần máu thịt chưa về với đất mẹ Việt Nam.

Họ là minh chứng quý giá để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này.