UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, công an quận có báo cáo về vụ việc ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đánh nữ nhân viên sân golf.
Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu thu thập được, xét thấy tính chất, mức độ hành vi của ông Dũng là ít nghiêm trọng. Qua giám định tỷ lệ thương tích của Trung tâm pháp y Đà Nẵng, xác định trường hợp này không có cơ sở để xếp tỷ lệ thương tích.
Nạn nhân cũng có "đơn yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự" và "đơn bãi nại toàn bộ sự việc về hình sự và dân sự". Do đó, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp "hành vi không cấu thành tội phạm".
Viện KSND cùng cấp cũng có công văn về việc thông báo quan điểm thống nhất không khởi tố vụ án hình sự.
Sau đó, công an quận đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Dũng số tiền 6,5 triệu đồng về hành vi "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, theo cơ quan chức năng, giám định tỷ lệ thương tích của nạn nhân không có cơ sở để xếp tỷ lệ thương tích. Vậy tỷ lệ thương tích có được giám định lại hay không và trường hợp nào, thủ tục này sẽ được thực hiện?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hình phạt ra sao dựa vào tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của ông Nguyễn Viết Dũng gây ra cho nạn nhân.
Đồng thời còn căn cứ vào nhận thức chủ quan, hành vi khách quan, cân nhắc tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ, đặc điểm nhân thân để quyết định biện pháp xử lý và mức phạt phù hợp.
Trường hợp nếu nạn nhân không đồng ý với quyết định xử phạt của cơ quan công an thì có quyền khiếu nại quyết định này và có quyền yêu cầu trưng cầu giám định lại thương tích đối với bản thân.
Luật sư Khuyên phân tích, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, việc giám định lại thương tích được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác.
Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại.
Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại, phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, việc giám định lại sẽ được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Cơ quan trưng cầu giám định sẽ tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng để quyết định việc trưng cầu giám định lại.
Bên cạnh đó, theo vị luật sư, nếu không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự), nạn nhân cũng có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 1, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được sẽ áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.