Sát tết "lộ diện" những cây mai vàng giá 1-3 tỷ ở một huyện của Bà Rịa-Vũng Tàu, có cả con đường hoa mai luôn
Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân huyện Châu Đức - nơi trồng nhiều hoa mai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang rộn ràng và tất bật vào "hội" vặt lá, sửa sang lại vườn mai của gia đình cho kịp bung nở đúng dịp đón tết, vui xuân.
Huyện Châu Đức là một trong những địa phương trồng nhiều mai vàng nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hầu hết nhà dân, công sở ở huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đều trồng từ 2 - 3 cây mai vàng vở trước sân. Những gia đình ở các xã như: Bình Trung, Xuân Sơn, Kim Long...thậm chí còn trồng cả vườn mai vàng để chơi và bán kiếm thêm thu nhập mỗi dịp tết đến, xuân về.
Từ ngày 13/1 âm lịch, lác đác người dân huyện Châu Đức đã tranh thủ vặt lá mai. Đến ngày 15/12 âm lịch thì hầu như người dân cả huyện đồng loạt thực hiện việc vặt lá để cây mai nở hoa đúng dịp tết. Với những cây mai cao, to người dân phải dựng thang, bắc giàn giáo và thậm chí dùng cả xe cẩu nâng người lên cao để vặt lá.
Nhà vườn và hộ gia đình trồng nhiều mai phải thuê nhân công nhặt lá cho cây mai nở kịp dịp tết. Nhặt lá mai cho một nhà vườn tại địa phương. Ông Nguyễn Tô Đức (54 tuổi, ngụ thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ: "Mỗi công vặt lá mai chúng tôi được trả từ 350 - 400 ngàn đồng. Thu nhập cũng hấp dẫn nhưng mỗi năm chỉ làm được 3 ngày gần Tết nên ai cũng thanh thủ để có thêm thu nhập chi tiêu".
Ông Nguyễn Văn Quyết (75 tuổi, thôn Xuân Tân, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) cùng cháu gái lúi húi vặt lá cho cây mai cổ thụ hơn 30 năm tuổi trồng trước sân nhà. "Hằng năm vào ngày 15/12 âm lịch là tôi vặt lá để cây mai này nở vào ngày 29 và rộ nhất vào 1 Tết. Năm nào cây mai này cũng sai bông và rực rỡ hoa, mọi người tới nhà chơi Tết ai cũng khen hết lời và chụp hình để khoe", ông Quyết bày tỏ.
Những cây mai lớn, cành lá sum suê phải huy động rất nhiều nhân công và hái lá trong 2-3 ngày mới hết. Việc hái lá mai tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải nhanh tay và khéo léo để không làm gãy búp hoa, xước cành.
Cây mai sau khi hái lá, người dân sẽ căn thời tiết để tưới lượng nước phù hợp nhằm "kích" cây nở đúng dịp tết. Càng gần Tết những búp nụ đâm lớp vỏ sần sùi trên cành khẳng khiu, dần lộ ra, lớn lên xanh biếc, sẵn sàng nở rộ cánh hoa vàng đón xuân.
Năm nay thời tiết diễn biến thất thường, dịp gần Tết còn có mưa trái mùa nên một số cây mai ở địa phương nở sớm, ít hoa.
Huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) còn có nhiều nhà vườn sở hữu những cây mai cổ thụ, được định giá tiền tỷ. Cây mai vàng cổ thụ của ông Phạm Văn Toanh (64 tuổi, thôn Xuân Tân, xã Xuân Sơn) là một trong số đó. Cây mai hiện đã cao hơn 7m, tán dày và rộng khoảng 6m, từng được người mua trả giá hơn 1 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Toanh cho biết cây mai của mình hơn 40 năm tuổi, có hoành gốc gần 100 cm và đã từng có người vào trả giá 1 tỷ đồng.
Nhiều cây mai cổ thụ, có tán dày và hoa đẹp được khách mua trả giá khá cao từ 1- 3 tỷ đồng.
Mai vàng ở huyện Châu Đức được người dân trồng làm cảnh trước sân, trong vườn vừa để chơi dịp Tết và bán để kiếm thêm thu nhập. Thậm chí, mai vàng còn được người dân trồng làm hàng rào quanh vườn. Đường hoa mai vàng gần 1.000 cây trồng trên dải phân cách các tuyến đường trung tâm huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kéo dài khoảng 5 km nhiều năm qua là nét độc đáo và điểm nhấn rực rỡ nhất của địa phương mỗi dịp tết đến xuân về.