Dân Việt

Sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đừng học vì bằng cấp

Mỹ Quỳnh 28/01/2023 10:41 GMT+7
Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM.

Sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến thị trường lao động gặp nhiều biến động. Có những ngành nghề "hot" trong những năm gần đây bỗng chốc bị đóng băng, tê liệt. Dịch Covid-19 cũng khiến xu hướng nghề nghiệp thay đổi, các ngành nghề gắn với chuyển đổi số phát triển.

Điều này cũng khiến những học sinh cuối cấp băn khoăn, khó khăn hơn trong lựa chọn ngành nghề để đón đầu xu thế, lựa chọn vừa phù hợp với sở thích cá nhân và vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Cạnh tranh bằng chất lượng nghề nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho biết, dù ở thời kỳ nào thì xã hội vẫn cần nguồn nhân lực chất lượng. 

Để cạnh tranh với thị trường lao động: Sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 1.

Sinh viên sẽ cạnh tranh với nhau bằng chất lượng nghề nghiệp, thay vì bằng cấp như trước đây. Ảnh: MQ

Theo ông Tuấn, đặc trưng của thị trường lao động hiện nay là tự do di chuyển, hội nhập toàn cầu. Thời đại công nghiệp 4.0 đã gắn kết, đan xen vào nhiều ngành nghề để mở rộng ra thị trường lao động, mở rộng ra các ngành nghề... Do đó, việc cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không phải chỉ đơn thuần là cạnh tranh về bằng cấp, cạnh tranh sự thông minh, tài giỏi... mà còn là sự cạnh tranh của chất lượng về nghề nghiệp, sự đam mê và trách nhiệm với nghề nghiệp. 

"Muốn thành công trên thị trường lao động, đặc biệt là bù đắp sự thiếu hụt của nguồn lao động ở thị trường Việt Nam sau đại dịch Covid-19, đồng thời phát triển hội nhập với thế giới trong thời đại 4.0, bắt buộc các sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Các em sẽ là những đối thủ cạnh tranh với chính thầy cô, với những người đang làm làm việc và cả bạn bè năm châu", ông Anh Tuấn nói.

Để cạnh tranh với thị trường lao động: Sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 2.

Đặc trưng của thị trường lao động hiện nay là tự do di chuyển, hội nhập toàn cầu nên sinh viên cũng phải trở thành những công dân toàn cầu để thích ứng. Ảnh: ĐHCN

Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu nhân lực đại học luôn sẽ cần thiết. Sinh viên có trình độ đại học không thể thất nghiệp, chỉ có những người không tìm được việc làm tương thích, công việc không xứng đáng với bằng cấp mà mình đã học. Thời đại hiện đang mở ra những cơ hội rất lớn, ông Tuấn cho rằng sinh viên phải năng động để thích ứng, tự tạo cơ hội để trở thành nguồn nhân lực có trình độ cao.

Dự báo nhóm ngành hút lao động

Ông Tuấn nhận định, sinh viên cần biết cách lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân, và khi đã lựa chọn thì phải học tập nghiêm túc, quyết liệt, học với tất cả đam mê mới có thể thành công. Sinh viên cần nhớ rằng, nếu học chỉ để có bằng cấp thì dù thành công cũng chỉ đạt được thành tựu nhỏ nhất định nào đó, nhưng thất bại thì rất nhiều.

Để cạnh tranh với thị trường lao động: Sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

Một trong các nhóm ngành cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ảnh: MQ

Trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt rất lớn, nhóm ngành nghề sẽ bổ sung cho nguồn nhân lực sẽ gồm: nhóm ngành về công nghệ kỹ thuật (kể cả những ngành về khoa học tự nhiên). Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 35 % tỷ trọng nguồn nhân lực đang thiếu hụt của trong nước. Trong đó, các lĩnh vực như đo điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, điện - điện tử; các nhóm ngành về kỹ thuật, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp, kỹ thuật ứng dụng; các nhóm ngành về công nghệ xây dựng, vật liệu, công nghệ môi trường... đang rất hút lao động. Theo ông Tuấn, nếu sinh viên không tận dụng cơ hội này, nhân lực các nước khác sẽ vào Việt Nam để làm.

Nhóm ngành thứ hai là cách lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Tuấn nhận định, nhóm ngành công nghệ thông tin làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, sinh viên cần phải học tập chuyên sâu về an toàn thông tin, bảo mật mạng, các nhóm ngành về lập trình, trí tuệ nhân tạo... để dễ dàng tìm kiếm việc làm tốt nhất.

Để cạnh tranh với thị trường lao động: Sinh viên phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 4.

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. Ảnh: MQ

Nhóm ngành thứ ba là nhóm ngành về lĩnh vực về quản trị kinh doanh, tài chính, hành chính pháp luật. Ông Tuấn đánh giá, đây là nhóm ngành đang chuyển động cực nhanh, cực mạnh gắn liền với lĩnh công nghệ. Các lĩnh vực như logicstic và chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, digital marketing, truyền thông đa phương tiện; tài chính, kế toán, ngân hàng... cũng đang chuyển đổi theo hướng công nghệ số nên nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn.

Nhóm ngành thứ 4 là nhóm ngành về lĩnh vực khoa học xã hội. Trong đó, nhóm ngành này đang cần bổ sung nguồn lực nhanh về du lịch, nhà hàng khách sạn, ẩm thực và các nhóm ngành về sư phạm, luật, ngôn ngữ, tâm lý chuyên ngành.

Nhóm ngành thứ 5 là nhóm ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông Tuấn cho biết, nhóm ngành này có thể nhìn rộng hơn về các lĩnh vực như điều dưỡng, y dược, nghiên cứu tế bào gốc, nghiên cứu gene, dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và nhóm ngành chăm sóc sức khỏe. 

Cuối cùng, là nhóm ngành về công nghệ cao trong nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi thú y, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy hải sản, công nghệ sinh học, hóa dược, hóa sinh, hóa mỹ phẩm... Theo ông Tuấn, đây là nhóm ngành đã được nhắc nhở nhiều năm nhưng vẫn chưa bổ sung đủ nguồn n ân lực. Trong năm 2023, các hiệp định mở ra cũng cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh để bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt này.

"Theo tư cách của nhà nhân lực, tôi cho rằng, thị trường lao động sắp tới là thị trường của công nghệ số, thị trường của nhân lực chất lượng cao, thị trường dành cho những con người biết lựa chọn ngành nghề, học tập thật đúng để có giá trị nghề nghiệp", ông Tuấn nói.