Học sinh thích thú học cồng chiêng
Có mặt tại trường Tiểu học Phùng Khắc Khoan (ở thôn Plei Lay, xã Ia Chim, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vào một giờ ra chơi, chúng tôi cảm nhận rõ âm thanh của những tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Cả thầy và trò đều say sưa theo nhịp chiêng.
Trò chuyện với PV, thầy Đinh Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, toàn trường có 382 em học sinh, 100% đều là người đồng bào dân tộc thiểu số Gia-rai. Nhiều năm nay, bên cạnh các tiết học văn hoá trên lớp thì nhà trường còn lồng ghép việc dạy cồng chiêng cho các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trường sẽ mời các nghệ nhân ở trong thôn về dạy cách diễn tấu cồng chiêng cho các em học sinh vào những giờ ra chơi, những buổi sinh hoạt tập thể của trường. Ngoài ra, trong các dịp lễ của đất nước, của tỉnh, nhà trường còn tổ chức hoạt động ngoại khóa, cho các em trổ tài thi múa hát đến biểu diễn cồng chiêng.
"Dần dần, số em biết đánh cồng chiêng ngày càng tăng. Không chỉ ở trường, mà trở về sinh hoạt tại thôn, các em còn được nghệ nhân tiếp tục truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc, có nhiều em trở thành nghệ nhân nhí của các đội cồng chiêng trong thôn", thầy Hùng chia sẻ.
Em A Đẩu, học sinh lớp 5 của trường chia sẻ, ngay từ nhỏ, em đã được thấy các nghệ nhân lớn tuổi ở trong thôn đánh cồng chiêng nên em rất thích. Khi lên lớp 4, nghe tin nhà trường mở lớp dạy cồng chiêng nên em đã hào hứng tham gia.
"Thời gian đầu tập luyện, em còn khá lúng túng và chưa theo kịp với nhịp chiêng. Về sau, được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân, em đã đánh đúng với nhịp chiêng. Trong quá trình học, chúng em còn hỗ trợ nhau để ai cũng biết đánh chiêng", em A Đẩu nói.
Còn em A Khuân, học sinh lớp 5 khác bộc bạch: "Em rất thích những giờ ngoại khóa, những buổi sinh hoạt cộng đồng ở trường vì được học, tìm hiểu thêm nét văn hóa của dân tộc mình nói chung và đánh cồng chiêng nói riêng. Ngoài học ở trường, em còn về học thêm từ ông bà, bố mẹ. Em hy vọng, hoạt động này sẽ được duy trì mãi để chúng em có thể giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình".
Lưu giữ bản sắc dân tộc
Nghệ nhân A Pyang (làng Plei Lay, xã Ia Chim, TP.Kon Tum) - người trực tiếp dạy cồng chiêng cho các học sinh của Trường Tiểu Phùng Khắc Khoan chia sẻ: "Khi thấy các em học sinh hào hứng tham gia học và đánh thuần thục được nhiều bài chiêng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Bởi, hiện nay lớp trẻ không mấy mặn mà với những truyền thống văn hoá của dân tộc. Hy vọng rằng, ngành giáo dục tiếp tục quan tâm và phát triển hoạt động giáo dục này để các em học sinh nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống".
Ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GDĐT TP.Kon Tum cho biết, những năm qua, ngành giáo dục luôn quan tâm và chỉ đạo các trường học lồng ghép việc dạy học với dạy đánh cồng chiêng, múa xoang... Hầu hết các em học sinh đều hào hứng, thích thú khi được học về truyền thống văn hoá của dân tộc mình.
"Bên cạnh đó, khoảng 2 năm/lần, Phòng GDĐT TP.Kon Tum cũng tổ chức Liên hoan cồng chiêng, múa xoang, thi trang phục dân tộc thiểu số dành cho học sinh trên địa bàn thành phố. Đây là dịp để các em học sinh thể hiện năng khiếu, sở trường của mình và khơi dậy niềm tự hào bản sắc dân tộc", ông Hoà chia sẻ.
Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kon Tum cho hay, thời gian tới, sở sẽ xây dựng kế hoạch để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc tại các trường học trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy tại trường học, nhất là hoạt động giáo dục đặc thù tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Từ đó, chính các em học sinh sẽ là "tuyên truyền viên" trong việc nâng cao nhận thức về văn hoá cồng chiêng ở các trường học trên địa bàn tỉnh.