Những vườn cây vươn lên từ đá
Chúng tôi từ TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) sang huyện Krông Nô (Đăk Nông), đường về vùng đất nổi tiếng với hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, nay rộng thênh thang, mượt êm.
Biết ý định tìm hiểu về cùng cam quýt đặc biệt dưới chân núi lửa Nâm Kar, anh Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Nô niềm nở cho hay, cam, quýt dưới chân núi lửa có hương vị rất đặc biệt bởi cây mọc từ lớp đá ong được hình thành từ quá trình phun trào núi lửa, chứa nhiều khoáng chất, rất tốt cho các cây trồng có múi. Ngoài ra, người dân canh tác vườn cây theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản nên rất đảm bảo chất lượng.
Gần một giờ di chuyển, chúng tôi có mặt tại vườn cây trái của HTX Nông Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô).
Chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc HTX đã chỉnh tề trong bộ đồ lao động, đội nón lá, quấn thêm chiếc khăn choàng đậm chất nông dân, nhiệt tình đưa chúng tôi khám phá khu vườn. Chị chu đáo dặn khách di chuyển cẩn thận, bởi dưới thảm cỏ toàn là đá ong.
"Năm 2016, khi tôi quyết định chọn vùng đất này để trồng cây, nhiều người khuyên nên suy nghĩ lại. Bởi thời điểm đó, nơi đây chỉ toàn đá ong và cỏ dại. Tuy nhiên, tôi bỏ ngoài tai, và chấp nhận bám trụ suốt 3 năm trong vùng đất này để cải tạo đất" - chị Mai nhớ lại.
Anh Doãn Gia Lộc- Trưởng phòng NNPTNT Krông Nô cho biết, cây có múi rất phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của vùng đá núi lửa ở huyện, trong đó có xã Quảng Phú. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc phát triển loại cây trồng trên thành sản phẩm đặc trưng. Riêng HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã có 2 sản phẩm cam quýt được chứng nhận OCOP 4 sao.
Sau khi xếp từng viên đá ong nhấp nhô lại để tạo thành khu vườn bằng phẳng, chị Mai phải "vạch" từng kẽ đá để trồng cam, quýt. Ngoài ra, chị cũng chủ động để cho cỏ mọc tự nhiên, tạo lớp phủ mát, giúp tăng độ ẩm, giảm tình trạng bốc hơi bề mặt đất vườn.
Chị xây dựng các hồ chứa nước tại các khu vực canh tác, để trữ nước cho cây trồng vào mùa khô. Đặc biệt, ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, phát triển HTX, chị Mai đã chọn hướng canh tác hữu cơ, chỉ sử dụng phân bón vi sinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật được điều chế từ củ, quả để chăm sóc cây trồng.
Đất không phụ lòng người…
Người có công, đất không phụ, những cây con khẳng khiu trên vùng đất đá núi lửa ngày nào đã vươn cao, cho quả ngọt trĩu cành. Chị Mai cho hay, thấy cây sai trái quá, chị phải tỉa bỏ bớt. Ngoài ra, chị dùng các sợi dây để neo cành, tránh bị gãy vì trái nhiều, trĩu nặng.
Chị Mai cho biết thêm, năm 2018, chị lập HTX Nông Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú với 7 thành viên. Tổng diện tích khu vườn trên 35ha, số tiền mà chị và các thành viên HTX đầu tư đã hơn 20 tỷ đồng.
Hỏi chị Mai, thời điểm 2016, chị đã có tiền tỷ, vậy sao không chọn lĩnh vực đầu tư nhẹ nhàng, nhanh sinh lời, lại chọn cách "dầm mưa dãi nắng", chị Mai cười hiền hậu, chia sẻ: Chị xuất thân từ gia đình nông dân ở Hà Tĩnh, chính "vùng đất chảo lửa túi mưa" đã tôi luyện cho chị bản lĩnh vượt khó trước mọi khó khăn, thử thách.
Sau khi vào Đăk Nông lập nghiệp, chị Mai làm nghề kinh doanh nông sản. Nhờ đó, chị được đặt chân đến nhiều vùng đất, biết được thế mạnh nông sản của từng khu vực. Cũng thời gian đó, chị chứng kiến nỗi xót xa của nông dân khi rơi vào điệp khúc "được mùa mất giá".
Bao đêm trăn trở, chị Mai quyết định dừng công việc kinh doanh để bắt tay vào sản xuất. Với quan niệm, sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không trồng đại trà chờ "giải cứu", chị Mai lựa chọn con đường sản xuất nông sản hữu cơ. Nhờ các mối quan hệ trong thời gian kinh doanh nông sản, chị Mai kết nối với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản và quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật.
Quá trình triển khai xây dựng thương hiệu cam, quýt trên vùng đất nủi lửa, chị Mai cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là ngành nông nghiệp huyện nhà. Đến nay, chị Mai đã bước đầu khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. Với khu vườn mênh mông của chị, vụ chính cam, quýt bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, ngoài ra vườn còn cho thu lai ra khi ra trái vụ thuận tự nhiên, sản lượng khá ổn định.
Trung bình mỗi năm, HTX Nông Lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú thu 100 tấn cam và trên 50 tấn quýt. Chị Mai đang trồng thêm hàng nghìn cây bưởi, vú sữa, chanh… Giá bán các loại nông sản của HTX luôn gấp 3-4 lần trên thị trường. Đơn cử, vụ vừa rồi, chị Mai bán cam với giá 50.000 đồng/kg, quýt 75.000 đồng/kg. Phần lớn cam quýt của chị Mai được tiêu thụ qua 2 đối tác lớn là Công ty Kata của Nhật Bản và hệ thống cửa hàng của thương hiệu "Bác Tôm".
Chị Mai tiết lộ, quýt đường núi lửa được neo trên cây cho đến khi chín vàng nên cực kỳ mọng nước, độ ngọt xuất sắc và hậu vị sâu. Thời điểm thu hoạch khá mát mẻ (từ sáng sớm đến 9 giờ sáng). Từ khi thu hoạch đến tay khách hàng không quá 20 giờ đồng hồ, và trái được đóng gói, bảo quản kỹ lưỡng nên vẫn giữ độ tươi ngon.
Nếm những quả quýt vàng rực, căng mọng vừa hái trên cây, cảm nhận được vị quýt ngọt thanh, không quá gắt, đậm hương thơm. Chị Mai lý giải, hương vị trên được tạo nên từ khoáng chất, dinh dưỡng có trong lớp đá ong kết tinh từ tro núi lửa. Đây là điều đặc biệt mà vùng đất dưới chân núi lửa ban tặng cho những ai kiên trì, dày công khai phá, bắt "sỏi đá cho quả ngọt".