Trong năm 2022 vừa qua, thị trường vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không liên tục tăng trưởng tăng trưởng. Mạng bay quốc nội khai thác mở rộng, các sân bay đông nghẹt người trong cao điểm lễ, sản lượng khách quốc nội liên tục tăng trưởng đã xóa tan sự ảm đạm, tạo đà cho một năm mới bứt tốc của hàng không Việt Nam.
Theo đó, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách trong năm 2022. Kết quả này đã tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019).
Đối với vận chuyển hàng hóa, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không trong năm ước đạt 1,25 triệu tấn. Con số này bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019). Trong đó, vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 152.000 tấn (tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019) và vận chuyển hàng hóa quốc tế ước đạt 1,1 triệu tấn (xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019).
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, hoạt động vận tải hàng không đã có dấu hiệu hồi phục từ cuối quý 1/2022, đặc biệt là thị trường nội địa. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường nội địa đã hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% vào các tháng 7, 8 so với so cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, đối với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các Nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác (Nga, Đức, Anh, Lào, Cambodia, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Balan, Rumani, Trung Quốc) trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.
Đặc biệt, thường xuyên trao đổi, liên lạc và tiếp xúc với Nhà chức trách hàng không của Trung Quốc và Ấn Độ để tăng thêm tần suất, tải cung ứng và điểm đến trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không Việt Nam đến các quốc gia này.
Đặc biệt, ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới và các hãng hàng không cũng khai thác trở lại các đường bay kết nối giữa Việt Nam với Trung Quốc, góp phần gia tăng lượng khách đi lại bằng đường hàng không giữa 2 nước. Tuy nhiên, các hãng hàng không, công ty du lịch nhận định khó có sự đột biến trong giai đoạn đầu sau khi Trung Quốc mở cửa, bởi thời điểm này đang vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thăm người thân, gia đình sẽ được người dân Trung Quốc ưu tiên hơn là tới các nước khác.
Theo các chuyên gia, thị trường nội địa chính là điểm sáng của bức tranh ngành hàng không sau dịch. Lượng khách gia tăng, đặc biệt là trong cao điểm Tết đã khiến tình trạng cháy vé máy bay xuất hiện. Bên cạnh đó, hàng không quốc tế cũng bắt đầu tăng tốc phục hồi khi một trong những thị trường lớn nhất là Trung Quốc chính thức mở cửa.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến khai thác khoảng 950-990 chuyến/ngày trên các đường bay nội địa.
Tổng cộng trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, lượng ghế cung ứng tăng thêm xấp xỉ 1,7 triệu ghế trên các đường bay nội địa, với tỷ lệ tăng hơn 33% so lịch bay thường lệ mùa Đông 2022/2023. Riêng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo sẽ khai thác khoảng 26.926 chuyến bay, tăng 9,39% so với năm 2019.
Trước đó, cuối tháng 10/2022, Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không đã xây dựng kế hoạch khai thác 25.613 chuyến bay và dự kiến tăng thêm 8.079 chuyến tương đương 32% (từ 25.613 chuyến lên 33.691) dịp Tết. Ghế cung ứng tăng 1,6 triệu ghế tương đương 33% (từ 5,1 triệu lên 6,7 triệu ghế).
Dự báo lượng khách nội địa trong dịp Tết này sẽ tăng kỉ lục, đặc biệt là tại "điểm nóng" Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng tối đa slot tại Tân Sơn Nhất trong khung giờ ban ngày để khai thác kịch khung slot 44 chuyến/giờ từ 6h - 24h mỗi ngày, để sân bay khai thác thêm khoảng 6.000 ghế/ngày.
Sau khi Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bổ sung trên cơ sở tham số điều phối slot được bổ sung tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên hầu hết các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đặc biệt vào các ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán và các ngày sau Tết Âm lịch trên các đường bay chiều ngược lại.
Để phục vụ hành khách giai đoạn Tết Nguyên đán, từ 6/1 đến 10/2/2023 (tức 15 tháng Chạp đến 20 tháng Giêng năm Quý Mão), Bamboo Airways dự kiến tăng khoảng 15% tải, đồng thời tiếp tục tăng số lượng chỗ cung ứng theo điều kiện cho phép. Hãng cũng có kế hoạch tăng cường triển khai các chuyến bay đêm và sáng sớm, cũng như bổ sung nhân lực nhằm tối ưu hóa chu trình phục vụ hành khách, đảm bảo mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất trong giai đoạn cao điểm.
Trong khi đó để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh ngày Tết, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cung ứng tổng cộng 15.767 chuyến, tăng hơn 4.000 chuyến, cung ứng thêm hơn 1,1 triệu ghế. Vietjet Air tăng 30% số chuyến bay, cung ứng trên 12.000 chuyến, đưa lượng ghế cung ứng lên hơn 2,6 triệu ghế, tăng hơn 600.000 ghế so với lịch khai thác bình thường.
Để tăng cường công tác phục vụ Tết, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an ninh, an toàn hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay. Cục cũng chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ người dân đi lại; điều hành lịch bay hạn chế việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Quý Mão năm 2023.