Ngày 14/1, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và và Giám đốc điều hành công ty khí đốt QatarEnergy dự báo rằng các nước châu Âu cuối cùng sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga với mức cao hơn.
Quan chức này đồng thời cảnh báo rằng sự biến động của thị trường có thể kéo dài trong nhiều năm.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng toàn cầu do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cho rằng một mùa Đông không quá lạnh ở châu Âu đã giúp giá năng lượng giảm, song sự bấp bênh sẽ vẫn tồn tại "trong thời gian tới" do không có nhiều khí đốt được giao dịch trên thị trường từ nay cho tới năm 2025.
Ông tin rằng khí đốt của Nga cuối cùng sẽ lại được vận chuyển tới châu Âu.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu sụt giảm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng Bộ trưởng al-Kaabi cho rằng tình hình có thể thay đổi trong tương lai.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khẳng định thế giới sẽ cần khí đốt tự nhiên trong một thời gian dài và cần có thêm đầu tư để đảm bảo an ninh nguồn cung cũng như giá cả phải chăng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nhấn mạnh "trong một thời gian rất dài, khí đốt sẽ vẫn hiện hữu" và khẳng định không chỉ đầu tư cho năng lượng tái tạo mà cũng cần đầu tư cho lĩnh vực khí đốt, từ đó "đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất thêm khí đốt để biến nó thành mặt hàng sẵn có với giá cả phải chăng."
Ông lưu ý chiến lược "không rõ ràng" của nhiều quốc gia đã khiến họ khó thực hiện cam kết với các hợp đồng khí đốt dài hạn cũng như khiến các công ty năng lượng gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài trợ cho đầu tư phát triển năng lực sản xuất.
Qatar là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới. Trong khi đó, UAE là một nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang rất chú trọng tới thị trường khí đốt khi châu Âu tìm cách thay thế năng lượng nhập khẩu từ Nga sau khi cắt giảm đáng kể nguồn cung do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine./.