Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức) chạy ngược chạy xuôi đi liên hệ khắp nơi nhưng vẫn không thuê được người hái tiêu. Hai vườn tiêu với gần 1 ha của anh đã chín đỏ, thậm chí trái khô chuyển màu đen và rụng đầy gốc.
Bất đắc dĩ, anh phải đầu tư gần 20 triệu đồng mua lưới phủ kín dưới gốc để hứng tiêu rụng. “Tôi phủ lưới một vườn trước, tranh thủ tìm thuê người hái vườn còn lại. Nếu không phủ lưới, đi gom tiêu rụng đổ dưới gốc vừa tốn thời gian vừa thất thoát lượng tiêu lớn”, anh Thắng giải thích.
Các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang chín rộ nhưng khan hiếm công thu hoạch.
Tương tự, anh Trịnh Văn Tân (ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, năm nay tiêu chín sớm đồng loạt nên trước tết cả tháng các hộ dân đã phải vào vụ thu hoạch càng khiến nguồn lao động thiếu hụt.
“Tôi phải liên hệ khắp nơi, huy động thêm họ hàng mới được 10 công hái tiêu. Vườn tiêu 5 sào phải hơn 110 công mới hái xong. Tôi còn 1 vườn tiêu nữa khoảng 6 sào đã chín đỏ, trái rụng đầy gốc cần phải khẩn trương thu hái mà giờ chưa thuê được người”, anh Tân nói thêm.
Theo người trồng tiêu, tiêu chín mà không thu hoạch kịp thời sẽ khô, rụng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt cũng như làm giảm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong vụ sau. Giải pháp lót bạt để tiêu tự rụng khi không thuê được công thu hái về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm cho cây suy yếu rất trầm trọng.
Không chỉ dựa vào mối quan hệ, nhiều người rành về công nghệ còn thông báo tìm người hái tiêu lên mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Hiện công hái tiêu tại địa phương được trả từ 280-300 ngàn đồng/ngày công. Ngoài ra, chủ vườn còn hỗ trợ thêm tiền mua nước uống, ăn trưa cho lao động ở xa tới hái tiêu. Tuy nhiên, lao động trẻ ở địa phương hiện nay chủ yếu đi làm ở nhà máy, xí nghiệp. Số còn lại thì đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Nên việc kiếm người thu hoạch tiêu vào thời điểm gần tết rất khó khăn.
Theo đánh giá của nhiều hộ dân trồng tiêu tại huyện Châu Đức, năm nay tiêu đậu trái nhiều nên năng suất cao hơn. Tuy nhiên giá tiêu thương lái thu mua ngày càng xuống thấp, giao động từ 55 - 65 ngàn đồng/kg. “Giá tiêu rớt sâu trong khi giá nhân công, phân, thuốc liên tục tăng nên nhiều năm nay người trồng tiêu hầu như không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Nhưng lỡ đầu tư nhiều tiền bạc công sức, giờ bỏ vườn tiêu cũng không biết làm gì để sống”, anh Tân khắc khoải.
Những người hái tiêu chủ yếu là phụ nữ ở địa phương hoặc những xã lân cận tranh thủ làm thuê lúc nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Một buổi hái tiêu sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày. Những trụ tiêu lớn, sum suê và cao từ 5-7m, người hái tiêu phải leo lên chiếc thang cao đến 7m để hái.
Chân bám chặt vào thang, hai tay họ thoăn thoát hái từng chuỗi tiêu. “Tùy trụ tiêu lớn nhỏ mà thời gian hái từ 15-20 phút/trụ. Nhưng trụ tiêu cây sum suê nhiều trái hái được 3-4 ký tiêu xanh/trụ”, bà Thủy người hái tiêu thuê nói.
Không chỉ đòi hỏi sức khỏe và dẻo dai khi leo trèo đứng trên thang cả ngày để thu hái tiêu, người hái tiêu cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Trụ tiêu cành lá rậm rạp nên ong, rắn thích trú ngụ và làm tổ, vì vậy thường xuyên xảy ra các vụ ong chích, rắn cắn.
Nguy hiểm hơn là gió quật đổ thang lúc đang hái tiêu. “Lúc dựng thang phải thật cẩn thận, quan sát kỹ tránh tổ mối và dựng nơi có nền đất chắc chắn nhằm tránh ngã đổ. Từ trên thang cao 5-7 m mà ngã xuống chắc chắn gãy tay, chân và bị thang va đập gây trọng thương. Đã có người trong làng bị ngã thang trong lúc hái tiêu phải sống đời “thực vật” nhiều năm nay”, bà Linh, một người hái tiêu kể.
Thời gian gần Tết Nguyên đán 2023, thời tiết diễn biến thất thường, liên tục có những cơn mưa trái mùa khiến cho việc thu hoạch tiêu cũng rất vất vả. “Trời mưa thì không thể hái tiêu bởi thang bị ướt, trơn trượt dễ bị ngã. Mưa cũng không thể phơi hạt tiêu được, tạo điều kiện cho thương lái ép giá nông sản của người dân”, anh Trịnh Văn Tân thở dài.