Dân Việt

Người các tỉnh về Sài Gòn dựng lều, chong đèn bán hoa xuyên đêm, "vui vì mang niềm vui cho người khác"

Chinh Hoàng 16/01/2023 15:34 GMT+7
Những ngày cận Tết Quý Mão ở TP.HCM, nhiều tiểu thương bán hoa khắp các vùng miền đổ về dựng lều, chong đèn bán xuyên đêm, mong có một cái Tết ấm áp với “bánh chưng có thịt”.

Hồi hộp bán xuyên đêm

Từ ngày 22 tháng Chạp nhiều tiểu thương bán hoa, hàng hóa phục vụ dịp Tết từ nhiều tỉnh, thành đã tề tựu về TP.HCM. Họ không chỉ bày bán ban ngày mà dựnglều, chong đèn bán xuyên đêm. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Dân Việt cho thấy đến thời điểm hiện tại một số tiểu thương bán mặt hàng hoa, cây kiểng nhập từ Đà Lạt về chưa mấy hiệu quả.

Dựng lều, chong đèn bán hoa xuyên đêm dịp cận Tết ở TP.HCM: Gấp rút những ngày cuối kiếm bánh chưng “có thịt” - Ảnh 1.

Dựng lều, chong đèn bán hoa xuyên đêm dịp cận Tết ở TP.HCM: Gấp rút những ngày cuối kiếm bánh chưng “có thịt” - Ảnh 2.

Nhiều mặt hàng hoa các loại nhập từ Đà Lạt về bày bán xuyên đêm bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp tại 371 Trường Chinh, quận Tân Phú. Ảnh: Chinh Hoàng

Anh Đỗ Minh Quyền bán nhiều mặt hàng hoa tại địa chỉ số 371 đường Trường Chinh (quận Tân Phú) thổ lộ: Từ 20 tháng Chạp anh cùng một người bạn của mình nhập hơn 500 chậu hoa các loại từ Đà Lạt về để phục cho người dân chơi Tết. Từ hôm 22 tháng Chạp anh Quyền cùng với người bạn dựng lều, chong đèn bán xuyên đêm cho khách. Nói về độ hiệu quả, đến thời điểm hiện tại anh Quyền cho biết bán chưa được nhiều, chưa hoàn lại vốn đã bỏ ra bởi một phần khách kén chọn hoa và lượng khách chủ yếu đứng xem, chưa chọm mua.

Theo anh Quyền, hạnh nhỏ, hạnh lớn, kim cương… có giá từ 170 nghìn đồng trở lên, đắt nhất là hạnh lớn, 700 nghìn đồng/chậu.

Những ngày qua, anh Quyền cùng với người bạn của mình chong đèn, dựng lều bán xuyên đêm đến sáng sớm dọn dẹp, nghỉ ngơi, từ 13h bắt đầu bán trở lại. Anh Quyền dự định đêm 29 Tết sẽ ngưng bán dọn dẹp và trở về quê nhà ở Phú Yên để cùng gia đình mình đón Tết.

"Hiện tôi vẫn bán chưa được nhiều, chưa thu hồi lại vốn, nguy cơ lỗ vì lượng khách năm nay khá vắng, không đông đúc như những năm về trước. Tôi và người bạn đi cùng sẽ cố gắng duy trì bán đến hết đêm 29 Tết, lỗ lãi thế nào cũng trở về nhà", anh Quyền nói với giọng buồn bã.

Niềm vui không chỉ vì lợi nhuận

Cũng theo anh Quyền, số vốn anh bỏ ra cùng người bạn của mình gần 200 triệu đồng bao gồm cả chi phí vận chuyển, chi phí ăn uống và hàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm này số vốn thu hồi chỉ bằng một nửa so với vốn bỏ ra. Mệt sau nhiều đêm phải thức trắng bán hoa nhưng vì "bánh chưng có thịt" anh Quyền cùng người bạn của mình miệng luôn tươi cười hớn hở, mời chào khách đến xem hoa.

Dựng lều, chong đèn bán hoa xuyên đêm dịp cận Tết ở TP.HCM: Gấp rút những ngày cuối kiếm bánh chưng “có thịt” - Ảnh 4.

Anh Trương Ngọc Hải (quê Lâm Đồng) cho biết năm nay mặt hàng Hồng Nhỏ của anh có giá 170 nghìn/chậu bán chạy nhất và đang có dự định nhập thêm để bán. Ảnh: Chinh Hoàng

Anh Trương Ngọc Hải (sạp hoa kề bên anh Quyền) tiết lộ: Anh chủ yếu bán loại hồng nhỏ, giá 170/chậu. Mặt hàng này bán khá chạy vì giá mềm và hoa thơm, nhiều khách ưng ý. "Tôi dự định đêm 27 tháng Chạp sẽ cho nhập thêm khoảng thêm 200 chậu từ Đà Lạt vào để tiếp tục phục vụ cho người dân chơi Tết, khoảng đêm muộn 29 sẽ trở về nhà ở Lâm Đồng ăn Tết".

Về những vui buồn trong khoảng thời gian bán hoa xuyên đêm, anh Hải cũng như anh Quyền tỏ ra vui vẻ vì làm quen được nhiều người bạn mới. Vui vì được các tiểu thương giao lưu kinh nghiệm, học hỏi cách chăm sóc những loại hoa khác nhau đến từ Đà Lạt. Nhưng hơn hết những tiểu thương này vẫn nói rằng: càng vui hơn khi sản phẩm của mình  bày bán thu hút nhiều khách mua. "Đó không chỉ là việc mang lại cái lợi cho mình mà còn là mang lại niềm vui cho người yêu hoa. Tôi cảm thấy vui vì mình mang được niềm vui đến cho người khác", anh Hải chia sẻ.