Thầy giáo David Coley, sinh năm 1986, quốc tịch Mỹ bén duyên với Việt Nam sau chuyến đi du lịch vào năm 2015. Khi đó, nghe đến địa danh vịnh Hạ Long nổi tiếng, thầy và vợ đã quyết định đặt vé máy bay sang chơi. Tuy nhiên, chỉ sau chuyến đi đó, thầy David đã yêu thích và quyết định cùng vợ sang Việt Nam sinh sống, làm việc.
PV báo Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện vô cùng thú vị với thầy David Coley. Thầy kể từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Toán, từng dạy một số trường cấp 2, 3 ở Mỹ. Khi sang đây, do dạy cho một trường Mỹ nên thầy dễ dàng bắt nhịp công việc. Mặc dù vậy, thầy David vẫn vô cùng bất ngờ với giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, tình cảm thầy trò ở dải đất hình chữ S.
"Học sinh ở đây rất chăm chỉ, tôn trọng thầy cô giáo. Tôi rất ấn tượng với cảnh khi thầy cô vào lớp thì học sinh đứng dậy chào. Lớp trưởng thì giúp đỡ thầy cô quản lý lớp. Đặc biệt nhất là không khí ngày Nhà giáo Việt Nam. Các trường tổ chức tưng bừng, trường lớp trang trí đẹp. Ở Mỹ, ngày Nhà giáo không có gì đặc biệt, cùng lắm là hiệu trưởng mua vài chiếc bánh cho giáo viên ăn. Còn ở đây, tôi được học sinh tặng hẳn cho một chậu cây cảnh. Món quà đầu tiên đó rất đáng nhớ với tôi vì tôi bất ngờ. Tôi vui và cảm thấy công việc của mình được học sinh ghi nhận, quý mến", thầy David chia sẻ.
Nhận xét về chương trình học ở Việt Nam, thầy giáo cho hay, ở đây chương trình học nặng hơn, ngoài giờ học thì học sinh phải đi học thêm nhiều. Ở Mỹ thì dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa, phát triển năng khiếu như thể thao, âm nhạc, mỹ thuật... Dù vậy, học sinh Việt lại học giỏi hơn, giải được một số phương trình mà ngày xưa bằng tuổi thầy không giải được.
Hiện tại, thầy David đang dạy Toán Tiếng Anh lớp 6 và lớp 10, Trường Nguyễn Siêu, Hà Nội. Với kinh nghiệm gần 20 năm giảng dạy, thầy luôn cố gắng làm sao để tiết học của mình lôi cuốn, hấp dẫn nhất. Phương pháp của thầy là vừa học Toán vừa trải nghiệm. Ví dụ khi học về chu vi hình tròn, thầy mang từ nhà đến lớp một số đồ dùng như đĩa, cốc, nắp... để học sinh đo áp dụng công thức. Hay khi học về xác suất, thầy mang theo xúc xắc và mang giấy cho học sinh cắt, gấp theo khi học về không gian...
"Tôi luôn giữ phong cách là một thầy giáo thân thiện với học sinh, không bao giờ mắng các em và luôn có phần thưởng để khích lệ. Với tôi, học sinh cần được phát triển các yếu tố là can đảm để trả lời dù chưa chắc chắn đáp án, sai cũng giơ tay để mọi người cùng chỉnh sửa, giơ tay phát biểu ý kiến là cách tôn trọng các bạn trong lớp, không ai có sự ưu tiên nào. Học sinh mắc lỗi mà các bạn khác nhao nhao lên nói sai rồi là rất bất lịch sự, nếu muốn nói phải giơ tay xin ý kiến và đặt câu hỏi khi không hiểu hoặc có ý kiến khác, cách làm hay", thầy David tiết lộ.
Khi mới sang, mọi người có nhắc nhở phải nghiêm túc để học sinh tôn trọng thầy, tuy nhiên, thầy không thích như vậy. Thầy luôn tươi cười với học sinh mọi lúc, mọi nơi. Trong trường hợp học sinh không nghe lời, thầy sẽ nghiêm túc hơn, nhắc nhở hoặc báo với giáo viên chủ nhiệm chứ không trách phạt.
Thầy giáo chia sẻ phương pháp dạy học. Clip: Tào Nga
Thầy David rất ấn tượng với Việt Nam bởi nhiều phong cảnh đẹp, ẩm thực ngon, người dân thân thiện, văn hóa sâu sắc. Thầy giáo người Mỹ rất thích lượn phố, ăn bánh xèo, bún riêu cua, bún đậu... Kỷ niệm mãi không quên của thầy là lần đầu tiên đi xe máy mà không nhớ đâu là phanh, đâu là ga. Đến giờ thầy đã quá quen với xe máy.
Điều bất ngờ là sau 5 năm sinh sống tại Việt Nam, thầy David có thể nói rất lưu loát tiếng Việt mặc dù trước đó chưa học chữ nào. Thầy tiết lộ: "Khi mới sang tôi học ở một trung tâm cùng với một nhóm giáo viên. Tôi tranh thủ học tiếng Việt bằng mọi cách như nói chuyện với mọi người ở chợ, siêu thị... Dù mắc nhiều lỗi sai, ngữ pháp chưa thuộc nhưng cứ nói chuyện thì tình trạng sẽ cải thiện dần. Tuy nhiên, có vài từ rất khó nói như khúc khuỷu, ước lượng hay các dấu hay bị nhầm lẫn. Ví dụ như từ "dâu", "dấu", "dầu"... Tôi phải suy nghĩ mãi mới biết từng từ đó là gì. Nếu đặt trọng ngữ cảnh thì dễ hơn".
Ở trên lớp, thầy David nói chuyện nhiều với học sinh, thậm chí các em cũng thường xuyên đố thầy "đây là từ gì" rất vui vẻ. Dịp khai giảng năm học vừa qua, thầy còn được phụ trách làm MC cho trường.
Với vốn tiếng Việt của mình, mới đây thầy đăng ký tham gia chương trình Vua Tiếng Việt vì rất thích giải ô chữ. Khi đó có từ "xương chậu" không biết là gì nhưng thầy mạnh dạn giải thích cho người chơi khác "là bộ phận cứng nhất của cơ thể và thứ để trồng cây".
Không chỉ học tiếng Việt, thầy David còn học thêm cả tiếng Hong từ một học sinh của mình. Thầy thích thú khi được khám phá thêm ngôn ngữ mới.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, thầy David cho hay ngoài việc dạy học ở trường, hiện thầy học thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy rất vui vì luôn được thầy cô và các bạn trong lớp giúp đỡ. "Tôi sẽ ở Việt Nam đến khi nào hết "duyên" mới thôi", thầy David vui vẻ nói.