Trưa 19/1, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa chuyển hồ sơ vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe biển xanh cho Công an quận Long Biên để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Trước đó, khoảng 14 giờ 40 ngày 18/1, anh Lê Quang K. (26 tuổi, trú xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) điều kiển xe ô tô biển xanh 29A-025.44 di chuyển trên đường Cổ Linh (quận Long Biên) hướng đi đường Đàm Quang Trung (quận Long Biên).
Khi đến cột đèn TD 40-6, đoạn thuộc địa phận phường Long Biên (quận Long Biên), xe xảy ra va chạm với xe máy mang biển số 29H1-303.19 do anh Đào Văn B. (28 tuổi, trú phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm lái, chở theo chị Phạm Thị Minh T. (36 tuổi, trú phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Sau đó, xe biển xanh tiếp tục va chạm với xe ô tô mang biển 30H-388.84 do anh Nguyễn Hồng Quân (25 tuổi, trú xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển, rồi lao lên vỉa hè.
Vụ việc khiến các phương tiện hư hỏng, chị T. bị thương được đưa đi Bệnh viện đa khoa Đức Giang điều trị.
Bước đầu, PC08 Công an TP Hà Nội xác định tài xế xe biển xanh vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,217 mg/lít khí thở và không chú ý quan sát dẫn đến vụ tai nạn.
Chiếc xe biển xanh 29A-025.44 thuộc Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư Pháp) là chủ sở hữu; còn anh K. là nhân viên hợp đồng của văn phòng này, chưa xuất trình được giấy phép lái xe.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người điều khiển chiếc xe mang biển xanh gây tai nạn giao thông là ai, hiện đang công tác tại cơ quan nào và nguyên nhân của vụ tai nạn là gì?
Nếu kết quả xác minh cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn là do người lái xe ô tô thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn xảy ra và hậu quả có nạn nhân tử vong hoặc thương tích của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Trường hợp người điều khiển xe ô tô có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng đồng thời tại thời điểm tai nạn xảy ra người này có nồng độ cồn ở mức 0,217mg/l khí thở, có thể phải đối mặt với khung hình phạt nghiêm khắc theo Điều 260.
Ông Cường phân tích, trước tiên, cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ danh tính người điều khiển chiếc xe ô tô này và làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời phối hợp để tiến hành cấp cứu nạn nhân, đánh giá bước đầu về sự việc.
Trường hợp người lái xe gây tai nạn là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thì sẽ bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ cho công tác điều tra...
Nếu may mắn mà nạn nhân được cứu sống, thương tích dưới 61%, thiệt hại đến tài sản dưới 100 triệu đồng, có thể cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp này người lái xe phải bồi thường thiệt hại và bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó với lỗi vi phạm nồng độ cồn, mức phạt có thể tới 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tới 24 tháng.
"Trong vụ việc này, người điều khiển xe ô tô cần phải tích cực phối hợp với cơ quan chức năng và hỗ trợ giúp đỡ gia đình nạn nhân trong việc cứu chữa.
Nếu hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng mà hai bên thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, người lái xe tải chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường thiệt hại" – vị chuyên gia nêu quan điểm.