Trách nhiệm pháp lý vụ sập cửa hàng Circle K làm một người chết ở TP.HCM
Trách nhiệm pháp lý vụ sập cửa hàng Circle K làm một người chết ở TP.HCM
Quang Trung
Thứ năm, ngày 19/01/2023 10:47 AM (GMT+7)
Kho chứa đồ cửa hàng Circle K nằm ở quận 4, bất ngờ đổ sập, 8 người thoát nạn, một nữ sinh lớp 9 tử vong, sáng 18/1. Trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ai?
Khoảng 7h45 ngày 18/1, cửa hàng Circle K ở số 16 Vĩnh Hội, quận 4 (TP.HCM) bất ngờ đổ sập, khói bụi bốc lên mù mịt.
Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an quận 4 và nhân viên y tế đã đến hiện trường. Cảnh sát đào bới đống đổ nát phía bên trong để tìm nạn nhân.
Khi xảy ra tai nạn, có 8 người ở bên trong cửa hàng kịp thoát ra ngoài, một người bị mắc kẹt bên trong đống đổ nát.
Cảnh sát đã sử dụng những thiết bị chuyên dùng, gia cố công trình và đưa được nạn nhân ra ngoài rồi tiếp tục rà soát lại một lần nữa trong hiện trường để xem còn người mắc kẹt không.
Nạn nhân bị đa chấn thương, bất tỉnh trong đống đổ nát sau đó được đưa đi cấp cứu. Theo người nhà, nạn nhân là nữ, học lớp 9.
Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM đã điều 7 xe cứu thương đến hiện trường. 8 nạn nhân bị xây xát nhẹ được sơ cứu tại chỗ.
Riêng nữ sinh lớp 9, Giám đốc Bệnh viện quận 4 Đỗ Thành Tuấn cho biết, nạn nhân khi được đưa tới bệnh viện đã ngưng tim, ngưng thở, sau đó tử vong.
Các vấn đề pháp lý liên quan
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ tai nạn thương tâm khiến một người chết và có thể sẽ có nhiều người bị thương, thiệt hại đến tài sản của cơ sở kinh doanh.
Vì thế cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc để đánh giá tính chất, xác định hậu quả làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy có lỗi dẫn đến hậu quả tai nạn chết người, cơ quan điều tra có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vô ý làm chết người để tiến hành điều tra và xử lý với người vi phạm theo quy định pháp luật.
Ông Cường cho rằng, để chứng minh lỗi vô ý trong trường hợp này, cơ quan điều tra phải thu thập các chứng cứ để chứng minh rằng một người bình thường hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi như vậy là nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn.
Nhưng người thực hiện hành vi nguy hiểm này lại không nhận thức được dẫn đến hậu quả vụ tai nạn xảy ra khiến một người tử vong.
Tuy nhiên, nếu trường hợp nguyên nhân vụ tai nạn là do để hàng quá nhiều trên kho dẫn đến đổ sập, rất khó có thể xác định được người để hàng có lỗi bởi kho được thiết kế như thế nào có thể họ không biết.
Bởi vậy, trong trường hợp này có thể sẽ không xác định được lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dù trường hợp không có lỗi nhưng thiệt hại đã xảy ra về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, cơ sở kinh doanh này sẽ vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật dân sự.
Cơ sở kinh doanh này sẽ phải bồi thường chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và thu nhập bị mất, bị giảm sút đối với người bị thương tích.
Đối với người thiệt mạng phải bồi thường về chi phí mai táng theo phong tục địa phương và bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân của người đã mất.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của cơ sở này được thực hiện như thế nào, nguyên nhân nào dẫn đến vụ tai nạn và cách khắc phục, các giải pháp phòng ngừa như thế nào để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.