Tết là sum vầy, Tết là để trở về. Với những người con xa quê hương, Tết là thời gian họ chờ đợi nhất sau những ngày tháng nỗ lực, vất vả, mưu sinh vì cuộc sống nơi đất khách quê người. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn có những người công nhân, lao công, người lao động không về quê ăn Tết bởi nhiều lý do.
Đã 29 Tết, nhưng anh Nguyễn Thế Vinh (33 tuổi, ở Phú Thọ, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) vẫn tranh thủ chạy thêm xe ôm. Vừa vội vàng đội chiếc mũ bảo hiểm, anh Vinh vừa nói: "Năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi phải nghỉ làm. Nguồn thu nhập gia đình cũng bị ảnh hưởng. Tôi có 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Tết năm nay, tôi quyết định ở lại Hà Nội chạy xe ôm, kiếm thêm thu nhập để ra Giêng có tiền đóng học cho các con", anh Vinh chia sẻ.
Chị Phạm Thị Hiền (quê Điện Biên đang làm công nhân tại Đông Anh, Hà Nội) cho biết, năm mới sắp đến nhưng với đồng lương ít ỏi chỉ đủ trang trải cuộc sống cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị quyết định không về quê và ở lại kiếm việc làm thêm như giúp việc, dọn dẹp nhà cửa theo giờ.
"Thời gian dài nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều gia đình thường có kế hoạch về quê, đi du lịch xa, thăm họ hàng nên việc trông coi nhà cửa đang là nhu cầu rất cần thiết. Bên cạnh việc tìm giúp việc ở lại Tết, thời gian này, nhu cầu thuê dọn dẹp nhà cửa tăng vọt. Giá cả 1 giờ dọn dẹp cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Đây là cơ hội để tôi kiếm thêm thu nhập, gửi tiền về quê nuôi con", chị Hiền chia sẻ.
Ở một khu trọ khác, dù đã xác định tâm lý từ trước nhưng khi nhìn hàng xóm xách vali đồ đạc ra xe về quê với gia đình và người thân, chị Lại Thị Vân (quê Lai Châu, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) lại cảm thấy chạnh lòng và tủi thân.
"Mấy hôm nay bố mẹ, và bạn bè tôi gọi hỏi "Có về quê ăn Tết không?", nhưng tôi làm mẹ đơn thân có 2 con đang học cấp 2, với đồng lương ít ỏi của mình, tôi phải cố gắng chi tiêu chắt chiu mới đủ trả tiền học cho các con, tiền thuê nhà. Cho nên, tôi đã không đủ trang trải để về quê dịp Tết này", chị Vân xúc động trải lòng.
Không chỉ riêng chị Hiền hay chị Vân, mà còn nhiều người lao động xa quê cảm thấy lo lắng, áp lực mỗi khi năm mới đến. Có rất nhiều hoàn cảnh phải chi tiêu dè dặt từng bữa nên không dám nghĩ đến việc mua sắm gì cho năm mới, không dám nghĩ tới việc về quê.
Bà Tình (72 tuổi, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: "Tôi có 11 phòng cho công nhân, người lao động thuê. Hằng năm, cứ tầm 28, 29 Tết là người thuê phòng về gần hết, chỉ có vài người ở lại, cũng là do điều kiện kinh tế họ còn khó khăn, tiền tàu xe ngày Tết đi lại tốn kém.
Công nhân, người lao động thuê nhà trọ nhà tôi hầu hết là người có gia đình, có con cái cần phải chăm lo nên ai cũng chăm chỉ làm ăn, tích cóp, tiết kiệm để nuôi con ăn học. Tôi biết hoàn cảnh của họ, nên tiền phòng trọ nhiều năm nay tôi chỉ lấy mức giá phải chăng, khoảng 700-800 nghìn đồng/phòng/tháng, để cuộc sống của họ đỡ chật vật", Bà Tình cho hay.
29 Tết, những dãy trọ công nhân đã khoá trái cửa gần hết, họ đã hối hả lên đường về quê đón Tết với gia đình, người thân. Tiếng nhạc xuân dìu dặt phát ra từ ngôi nhà khang trang của người dân nơi đây "Hãy tưng bừng phút giây này có nhau. Rộn ràng cười nói dưới mái nhà. Quà nào bằng gia đình sum họp. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên" khiến những người lao động nghèo mưu sinh nơi đất khách quê người không về quê đón Tết thêm day dứt, khắc khoải.