Năm 2008 học Đại học Cần Thơ, năm 2014 tiếp tục học Trường Đại học Tài chính – Marketing, TP.HCM và đến năm 2019 anh Trịnh Anh Khoa chính thức lên đường đi du học sau khi nhận học bổng toàn phần tại Đại học Otago, Dunedin, New Zealand.
Tại đây anh Khoa tiếp tục ghi dấu ấn khi là trợ lý nghiên cứu cho 5 đề tài nghiên cứu của giảng viên về AI, Blockchain and Machine learning trong nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức từ thiện tại New Zealand và Úc, xuất bản được một bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế trong quá trình học tại Đại học Otago.
Những thành tích trên khiến ai cũng tưởng rằng con đường học vấn của anh được "lót sẵn" tuy nhiên, đó là sự nỗ lực rất nhiều của anh Khoa. Anh Khoa cho hay, du học với người khác là điều nung nấu từ nhỏ, được cha mẹ định hướng, còn với anh đó là sự tình cờ. "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân khu vực nông thôn của tỉnh Sóc Trăng. Trong xóm tôi sinh sống hầu như không có học sinh phổ thông nào học tiếp lên đại học chứ chưa nói đến việc đi du học. Hình ảnh các sinh viên du học tôi được tiếp xúc qua tivi chủ yếu là ở châu Âu, Mỹ, hoặc Úc.
Năm 2001, tôi được xem bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" và bị cuốn hút bởi những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ của phim. Đến tận năm 2008, tôi lần đầu tiên được tiếp xúc với internet và biết được bộ phim được quay tại New Zealand. Từ đó, tôi tìm hiểu thêm về đất nước xinh đẹp này.
Năm 2018, tôi thấy được thông tin về Học bổng Chính phủ New Zealand cho ứng viên các nước đang phát triển, tôi đã tìm hiểu và quyết định nộp đơn ứng tuyển. Và may mắn mỉm cười với tôi. Tôi đã nhận được 1 trong 4 suất học bổng cho bậc học tiến sĩ. Ngôi trường tôi lựa chọn chính là Đại học Otago, ngôi trường đại học đầu tiên, top 1 về nghiên cứu của New Zealand và nằm trong top 16 trường đại học có khuôn viên đẹp nhất thế giới (Telegraph 2012).
Tôi rất ấn tượng vì giáo dục ở đây không quá áp lực mà khuyến khích sáng tạo, đóng góp cho học thuật. Các trường đại học trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho sinh viên học tập và nghiên cứu (bao gồm cả những thứ nhỏ nhất như nước nóng, trà, cà phê, sữa miễn phí và luôn sẵn cho cho nghiên cứu sinh hay nhà vệ sinh luôn luôn sạch sẽ). Mỗi lần trình bày tại hội thảo tôi lại được nhận hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng", anh Khoa kể.
Tiết lộ về bí quyết giành học bổng du học, anh Khoa cho hay đó là luôn hỏi bài thầy cô, bạn bè và làm đề từ các năm trước. Đó là cách tốt để ôn bài một cách tổng quát và mở rộng mối quan hệ. Một điều quan trọng không kém là có những thắc mắc gì mạnh dạn hỏi các anh chị các khóa trước, hỏi người quản lý chương trình, thường xuyên cập nhật website của trường và chủ động nộp hồ sơ xin học bổng... Được biết năm nay Chính phủ New Zealand giành 30 suất học bổng toàn phần dành cho bậc sau đại học. Đây là cơ hội tốt cho các bạn đang ấp ủ kế hoạch đi du học.
Mặc dù hiện tại đã về nước làm công tác giảng dạy và nghiên cứu sinh nhưng đối với anh Khoa, kỷ niệm sang du học New Zealand vô cùng đáng nhớ khi anh nhập học 1 ngày trước ngày ông Công ông Táo. Sau đó là Covid-19 kéo dài trong 3 năm tiếp theo.
Năm thứ hai sau khi sang New Zealand, anh Khoa có cơ hội đón Tết với một số gia đình anh chị người Việt đang học tập và làm việc tại đây. Mọi người đặt bánh chưng từ một shop người Việt ở thành phố Auckland. Giò lụa có thể mua loại đông lạnh trong một shop châu Á tại Dunedin. Mọi người chuẩn bị thêm một số món như chả giò (nem rán), lẩu. Đặc biệt, có năm anh Khoa cùng các anh chị chuẩn bị một vài ngày để làm xôi vò, đặt mua hoa mai giả từ Việt Nam sang tầm hai tháng trước Tết. Sau đó mọi người chọn một cành cây khô và gắn hoa vào, lấy giấy màu cắt chữ. Theo anh Khoa, có năm mọi người chuẩn bị làm thịt đông, khá vất vả nhưng rất vui. Tuy nhiên, mọi người chỉ có buổi họp tất niên là xong Tết, sau đó trở lại công việc bình thường.
"Tết thường đúng vào dịp nghỉ Giáng sinh và năm mới tại New Zealand nên người Kiwi cũng nghỉ. Tết lên văn phòng làm việc, học tập chỉ có vài nghiên cứu sinh và một hai giảng viên thích ở lại văn phòng. Nhiều lúc cảm thấy cô đơn thì gọi video call về cho gia đình. Thông thường 4 ngày đến một tuần tôi mới gọi về nhà, Tết thì gần như ngày nào cũng gọi. Tết đến mới cảm nhận rõ nét mình yêu Việt Nam, yêu gia đình như thế nào. Dù đi xa, các giá trị truyền thống vẫn luôn đáng quý, đặc biệt là Tết", anh Khoa chia sẻ.