Chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục được triển khai
Năm 2023, Bộ GDĐT ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiểu quả, nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12; thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng; đa dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời; ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt; chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuyển sinh đại học 2023
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia nhận định: "Sau hơn 10 năm ổn định 3 chung, từ năm 2015 đến nay có sự thay đổi. Xu hướng gần đây là đa dạng phương thức tuyển sinh đại học. Từ năm sau trở đi, các trường cũng sẽ tổ chức nhiều kỳ thi riêng hơn nữa và cần có sự kiểm soát của Bộ để thực hiện một cách có hệ thống, dễ hiểu".
Tuy nhiên, về phương thức xét tuyển thì hiện nay đang quá nhiều gây phức tạp và khiến thí sinh lúng túng. Theo ông Hiệp, các trường chỉ nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Đối với chứng chỉ tiếng Anh (như IELTS...) và học bạ thì chỉ nên dùng để chuyển đổi điểm thi tiếng Anh và điểm cộng. Không nên sử dụng điểm này làm phương thức xét tuyển.
"IELTS có thể dùng để chuyển đổi điểm thi tiếng Anh hoặc cộng thêm điểm chứ không nên dùng làm điều kiện cần và đủ khi tuyển sinh, nhất là khi tuyển sinh những ngành không liên quan. Mỗi trường, mỗi địa phương lại có sự chênh lệch về cách tính điểm học bạ, chúng ta rất khó kiểm soát và tạo sự công bằng khi sử dụng đầu điểm này", ông Hiệp cho hay.
Học phí đại học tiếp tục tăng
Yêu cầu các trường không tăng học phí nhưng điều này chỉ là giải pháp tạm thời trong năm 2023 để ổn định sau Covid-19. Theo TS Phạm Hiệp, mức tổng chi phải đủ mức tối thiểu. Với mức học phí như hiện nay là thấp. Mô hình chuẩn phải là học phí cao và nguồn hỗ trợ nhiều, gọi là mô hình 2 cao. "Học phí có lẽ sẽ tiếp tục tăng, năm nay chưa tăng, năm sau phải tăng, nhưng việc hỗ trợ nhiều thì chưa thể hiện được", ông Hiệp nói.
Hiện nay các trường học phí cao thường rơi vào các trường tự chủ tài chính. Bản chất của các trường này là không nhận ngân sách Nhà nước cho việc chi thường xuyên. Vì thế, họ phải tăng học phí để đảm bảo nguồn thu chi. Nhà nước cần lập một quỹ dành riêng cho các trường tự chủ. Các trường sẽ đấu thầu để giành được quỹ này, phục vụ cho việc hỗ trợ sinh viên học tập. Đây sẽ là phương án bền vững, khả thi trong 5-10 năm tới.
Tự chủ đại học là xu hướng đúng
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho hay: "Giáo dục nói chung và bậc đại học nói riêng được xã hội quan tâm đặc biệt. Hiện đang phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, một số trường đại học đơn ngành đang có xu hướng liên kết để trưởng thành các đại học đa ngành. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học mà Đảng và nhà nước đã xác định đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc tự chủ đại học là xu hướng đúng và đã được triển khai thí điểm ở một số trường trên cả nước đã mang lại hiệu quả rất tốt. Vấn đề cần quan tâm khi các trường tự chủ đó là chất lượng đào tạo và các "sản phẩm" của nhà trường phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trường đại học không nhất thiết phải nhiều sinh viên nhưng phải đảm bảo chất lượng, từng bước hội nhập quốc tế và có sự công nhận lẫn nhau trong công tác đào tạo giữa các trường trong nước và quốc tế. Quốc tế hóa đại học, hội nhập và tự chủ là hướng phát triển bắt buộc các trường phải thực hiện.
Để làm được điều đó, chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng. Cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị hiện đại nhưng nhân lực được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm sẽ quyết định đến sự thành công của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường. Tuy nhiên, tự chủ đại học không phải là các trường muốn làm gì thì làm hay nhà nước hoàn toàn không can thiệp, không hỗ trợ các trường nữa.
Tự chủ đại học phải được hiểu không phải chỉ tự chủ tài chính, đó là tự chủ về học thuật, về định hướng phát triển và cả về tài chính. Tự chủ là các trường phải tự vươn lên từ nội lực của chính trường đó với sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt đối với các trường thuộc nhóm ngành Nông – Lâm Ngư nghiệp, là trụ cột, xương sống của nên kinh tế đất nước".
Lương giáo viên tăng từ tháng 7
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội thông qua, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023, tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành (mức hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng). Lương giáo viên sẽ được tính: Tiền lương = lương cơ sở x hệ số lương. Như vậy, sau khi lương cơ sở tăng, bảng lương của giáo viên sẽ tăng lên tùy vào từng cấp dạy, hạng giáo viên, bậc lương.
Trước đó, Chính phủ đã giao cho Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ điều chỉnh chế độ lương và phụ cấp cho giáo viên. Việc có 16.000 giáo viên các cấp bỏ nghề trong khi cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng sau hai năm đại dịch đã được phân tích và nguyên nhân lớn nhất đề cập đến là lương giáo viên quá thấp, trong khi áp lực, cường độ lao động cao.
Bộ GDĐT cũng chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.