Dân Việt

Ngôi làng cổ ở giữa Hà Nội, người dân hơn 1.000 năm nay chưa từng gọi tiếng "bố"

Phương Thảo 21/01/2023 06:30 GMT+7
Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội) vốn là một làng cổ đã có tuổi đời hơn 1.000 năm nay. Thế nhưng, ở đây, bao thế hệ ở đây chưa từng nghe tiếng gọi "bố". Mà thay vào đó phải gọi bằng các danh xưng khác như "cha" hay "ba".

Hà Nội : Chuyện lạ ngôi làng cổ hơn 1000 năm chưa từng nghe tiếng gọi bố

Hà Nội : Chuyện lạ ngôi làng cổ hơn 1000 năm chưa từng nghe tiếng gọi bố

 Theo truyền thuyết, làng Triều Khúc xưa là nơi vua Phùng Hưng đặt đại bản doanh để đánh thành Tống Bình. Ở nghi môn đình làng bây giờ vẫn còn đôi câu đối: 

An Nam tráng khí sơn hà tại

Bình Bắc du linh thảo mộc chi. 

Tức là "Khí mạnh dựng trời Nam, núi sông còn mãi/Oai thiêng trừ giặc Bắc, cỏ cây còn ghi".

Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (728) Phùng Hưng lên ngôi Vua và mất năm Mậu Thìn 788. Phùng An, con trai của vua Phùng Hưng, lên nối ngôi và dâng xưng tôn hiệu Phùng Hưng là: Bố Cái đại vương.

 Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, dân làng Triều Khúc kiêng 4 chữ: Hưng - tên Ngài, An - tên con trai Ngài, Bố - là Cha và Cái - là Mẹ". Trong Ngọc phả của làng vẫn ghi rõ phải kiêng 4 chữ đó. Người dân ở đây cực kỳ kiêng kỵ và không ai dám đặt tên con theo bốn chữ đó vì sợ phạm húy. Người nơi khác có đến đây thì kiểu gì cũng phải tuân theo luật lệ của làng. Nếu mà có tên giống cũng phải gọi lái đi. 

Hằng năm, từ ngày 10-12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Triều Khúc lại tưng bừng mở hội và rước kiệu Ngài quanh làng. Trong lễ hội, điệu múa "con đĩ đánh bồng" - nam giả nữ để múa trống được nhiều người quan tâm. Theo tương truyền, đó là điệu múa do Bố Cái đại vương sáng tạo ra để mua vui cho binh lính đi đánh giặc xưa kia.