Làng cổ làm gốm 500 tuổi ở Quảng Nam kiếm tiền tết với nghề vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ ba, ngày 17/01/2023 05:13 AM (GMT+7)
Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ sở sản xuất thuộc làng gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) tất bật đỏ lửa lò nung, làm gốm.
Bình luận 0

Tranh thủ thời tiết hanh khô, nắng ấm, mọi người mang những mẻ niêu đất, bùng binh, con thổi…. ra sân "tắm nắng", khắp các ngõ ngách nhộn nhịp người phơi gốm, hương đất nung lan tỏa khắp vùng.

Làng gốm truyền thống Thanh Hà có lịch sử hình thành hơn 500 tuổi. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân làng nghề đang tích cực sản xuất, miệt mài trở lại với nghề truyền thống để cho ra hàng nghìn sản phẩm phục vụ người dân trong sinh hoạt, trang trí nhà cửa dịp Tết.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 1.

Để phục vụ thị trường dịp Tết, cơ sở của ông Xê, làng cổ làm gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, (tỉnh Quảng Nam) đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tò he, lọ hoa, tượng trang trí.

Dịp Tết Nguyên đán 2023 hứa hẹn sẽ là dịp thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến làng gốm tham quan, trải nghiệm. Vì thế, các cơ sở làm gốm ở Thanh Hà đang tất bật sản xuất, làm đa dạng các mặt hàng gốm để phục vụ khách hàng.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 2.

Tượng linh vật mèo của năm Quý Mão được anh Lê Văn Nhật tỉ mỉ thực hiện.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 2.

Chăm chú nặn những con thổi (còn gọi là tò he, đồ chơi chim cò), ông Nguyễn Văn Xê (65 tuổi) vui vẻ nói: "Năm nay không còn dịch Covid nên làng nghề cũng đã dần sống lại, những người thợ gốm như chúng tôi có nhiều công việc để làm, phát triển kinh tế. Tôi làm đa dạng các mặt hàng gốm trang trí, gốm dân dụng, trong đó bán chạy nhất là những món quà lưu niệm nhỏ xinh như tò he, tượng linh vật".

Đặc biệt, cứ vào dịp cận Tết mọi năm, vợ chồng ông Xê sẽ nhồi đất, in khuôn để làm tượng Táo quân. Quá trình làm ra một bức tượng Táo quân nhỏ mất nhiều công đoạn và rất công phu, tỉ mỉ, nhưng giá thành thấp nên hiện nay chỉ còn 2 hộ làm.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 3.

Mỗi bức tượng Táo quân có giá 2.000 đồng.

Ông Xê cho biết, từ đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất, ông sẽ hòa với nước và nhồi cho đất thật mịn, dẻo. Sau đó quét một lớp dầu vào khuôn, cho đất sét vào khuôn ép thật chặt để tượng rõ đường nét. Bởi lúc đó tượng đất còn mềm dẻo, chưa cố định được hình dạng.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 4.

Nếu tập trung toàn thời gian, mỗi ngày bà Một có thể nặn được 100 con tò he.

Khuôn đúc có hình tượng 2 ông và 1 bà Táo đứng cạnh nhau. Tượng sau khi lấy ra khỏi khuôn sẽ mang đi phơi nắng khoảng 2 ngày, rồi cho vào lò nung trong 7 tiếng. Cuối cùng là sơn màu đỏ cho bức tượng ông Táo thêm đẹp mắt.

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 5.

Những món quà lưu niệm nhỏ nhắn được khách du lịch rất ưa chuộng khi đến tham quan làng cổ làm gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Vào dịp 23 tháng Chạp, trong lễ cúng đưa ông Táo về trời, các gia chủ sẽ đặt tượng Táo quân mới lên bàn thờ trên bếp, thay cho tượng cũ để cầu một năm may mắn, đầy đủ.

Vợ ông Xê, bà Dương Thị Ca bộc bạch: "Làm tượng Táo quân rất vất vả, nhọc công sức nhưng giá thành thấp, chỉ 2.000 đồng/cái nên không có đồng lời. Mọi người bỏ nghề hết, chẳng còn ai mặn mà. Dù có nhiều đơn đặt làm, nhưng gia đình tôi chỉ làm hơn 1.000 cái để bán kèm với những đơn hàng Tết, chứ không đủ sức để làm nhiều".

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 6.

Cận Tết, những con đường ở làng cổ làm gốm Thanh Hà trải đầy nồi, niêu, tượng….

Đang chuẩn bị đất để làm niêu, ông Nguyễn Văn Bé (56 tuổi) phấn khởi nói: "Tết năm nay làng nghề nhộn nhịp lắm, khách du lịch đã trở lại nên nhà ai cũng có việc để làm. Riêng nhà tôi chủ yếu làm các loại nồi, niêu đất, bùng binh để bán cho các bạn hàng và phục vụ khách du lịch.

Nhiều đơn hàng Tết cơ sở tôi đã sẵn sàng xuất bán, hi vọng thời tiết cận Tết sẽ thuận lợi, nhiều nắng để công đoạn sản xuất không bị gián đoạn. Bà con có thêm nguồn thu nhập khá để lo sắm Tết, sửa soạn đủ đầy hơn".

Vọc đất, nặn “đồ chơi chim cò”, người dân làng gốm 500 tuổi rộn ràng đón Tết - Ảnh 7.

Tranh thủ trời khô hanh, nắng ráo, người dân mang gốm ra phơi để kịp nung, cung cấp cho thị trường dịp Tết.

Cùng chung không khí sản xuất nhộn nhịp, khẩn trương, bà Lê Thị Một (68 tuổi) miệt mài nặn tò he để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết. Trung bình mỗi ngày, bà nặn được 100 con tò he, đa dạng hình thù 12 con giáp. Có những con vật ít chi tiết sẽ được bà nặn nhanh hơn, nhưng đổi lại có những con đòi hỏi người nặn phải cầu kỳ tạo kiểu dáng thì mới giống thật, tinh xảo và hút khách.

Dẫu trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng làng gốm truyền thống Thanh Hà vẫn được gìn giữ và phát triển lớn mạnh đến hôm nay. Những người con của làng vẫn luôn tận tuỵ giữ nghề, phát triển đa dạng các dòng sản phẩm, mẫu mã gốm truyền thống để phục vụ thị trường, đặc biệt là khách tham quan, du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem