Đến thời điểm này, cứ mỗi lần có ai đó nhắc đến cái tên Phan Thanh Tuấn là cựu HLV Nguyễn Thành Vinh lại ngậm ngùi tiếc nuối. Ông Vinh “Nghệ” khẳng định: “Bao nhiêu năm làm công tác huấn luyện, tôi chưa thấy tiền vệ tổ chức nào xuất sắc như Phan Thanh Tuấn của Sông Lam Nghệ An (SLNA) trước đây. Cậu ấy sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân điêu luyện và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, thuộc hàng ‘xưa nay hiếm’. Khác với những đồng đội thi đấu đầy mạnh mẽ bên cạnh, Tuấn chơi có phần thong dong, mềm mại. Nhưng chỉ cần đối thủ có một tích tắc lơ là, khung thành đội bạn sẽ ngay lập tức bị chao đảo”.
Cựu tiền vệ Phan Thanh Tuấn là mẫu cầu thủ sử dụng thuần thục cả 2 chân (ngoài Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công ra, không có tiền vệ trung tâm nào của bóng đá Việt Nam toàn diện như Phan Thanh Tuấn ở giai đoạn ấy). Những đường chuyền sắc lẹm xé toang hàng phòng ngự đối phương, đưa đồng đội vào tình thế vô cùng thuận lợi để ghi bàn, chính là thương hiệu của cầu thủ thường mang sau lưng số áo 15. Ngoài nhiệm vụ kiến thiết và giữ nhịp trận đấu, Phan Thanh Tuấn còn trực tiếp mang về những bàn thắng cho đội nhà, bằng những pha dứt điểm vô cùng tinh tế.
Chắc hẳn, những người hâm mộ bóng xứ Nghệ vẫn chưa thể quên siêu phẩm được thực hiện trong trận đấu lượt đi giữa SLNA và Thể Công (1 – 1) tại Giải vô địch QG 1998 của Phan Thanh Tuấn. Pha hãm bóng bằng đùi rồi tung cú vô-lê làm tung lưới đội khách của chàng tiền vệ sinh năm 1972, đã khiến cả cầu trường sân Vinh nổ tung, khiếc các cầu thủ áo đỏ chỉ biết nhìn nhau lắc đầu, khâm phục. Bàn thắng đó xứng đáng được đưa vào Sách giao khoa của môn bóng đá. Đây chỉ là một trong rất nhiều bàn thắng để đời của Phan Thanh Tuấn ở thời kỳ đỉnh cao. Không phải ngẫu nhiên mà Phan Thanh Tuấn là trụ cột của SLNA từ khi lên đội 1 (18 tuổi) cho đến ngày giải nghệ (31 tuổi).
Sẽ là khiếm khuyết vô cùng nếu nhắc đến Phan Thanh Tuấn mà quên đi Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công. Xét về mặt danh tiếng, cựu cầu thủ SLNA không phải là đối thủ của Sơn “công chúa” ở cấp độ đội tuyển. Với những gì làm được cho Thể Công và Đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Hồng Sơn là thần tượng của mọi thần tượng trên dải đất hình chữ S. Nhưng điều đáng nói là mỗi lần Thể Công đụng độ SLNA, Nguyễn Hồng Sơn lại thường xuyên bị lu mờ trước người đàn em mang chiếc áo số 15 bên phía đội bạn. Chính vì vậy, trong suy nghĩ của người hâm mộ xứ Nghệ, nhạc trưởng tài ba nhất của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ là Phan Thanh Tuấn, chứ không phải là tiền vệ người Hà Nội.
Tiếc rằng, những gì tinh túy nhất, tuyệt vời nhất của Phan Thanh Tuấn lại không được thể hiện trong màu áo Đội tuyển Việt Nam. Cứ lần nào được triệu tập lên tuyển, cầu thủ người Nghệ An lại “đập bệnh” để sớm được trở lại quê nhà. Cho nên, cả sự nghiệp quần đùi, áo số của Phan Thanh Tuấn chỉ được nhớ tới trong màu áo SLNA. Giấc mơ được chứng kiến Phan Thanh Tuấn sát cánh cùng Sơn Nguyễn Hồng Sơn trong những trận đấu của Đội tuyển Việt Nam tại các kỳ SEA Games, AFF Cup…của người hâm bóng đá nước nhà, mãi mãi không trở thành hiện thực.
Như một kết quả tất yếu, sau những năm tháng ăn chơi tráng tác, nền tảng thể lực của Phan Thanh Tuấn đã bị bào mòn đến kiệt quệ. Tần suất xuất hiện trên sân của anh đã tỉ lệ nghịch với số lần nhậu nhẹt thâu đêm bên cạnh các bóng hồng và “nàng tiên nâu” chết chóc. Hình bóng Phan Thanh Tuấn nhạt nhòa dần với những bước chân mệt mỏi, cùng cái đầu đang mải miết nơi đâu. Phan Thanh Tuấn thi đấu vật vờ trong niềm xót xa, tiếc nuối của người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ.
Điều gì đến, cũng phải đến. Kết thúc mùa giải 2002, mùa giải mà SLNA giành được chức vô địch Cúp QG đầu tiên trong lịch sử, người ta không còn thấy Phan Thanh Tuấn chơi bóng nữa. Chia tay với niềm đam mê bóng cùng bảng thành tích đồ sộ trong màu áo đội bóng quê hương, Phan Thanh Tuấn lại tiếp tục dấn thân vào những trò tệ nạn. Giới chuyên môn tiếc cho anh, nhiều đồng đội dần xa lánh anh và người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ trách anh, vì đã sớm hủy hoại thần tượng của họ. Một Phan Thanh Tuấn mặc chiếc áo vàng số 15 tung hoành giữa vòng vây của các cầu thủ đối phương, giờ chỉ còn là hoài niệm không trọn vẹn.
Đề cập đến Phan Thanh Tuấn, những đồng đội một thời sát cánh cùng anh lại thay nhau tấm tắc: “Tài năng của Phan Thanh Tuấn thì ai ai cũng phải thừa nhận, dù đó là những cổ động viên trung thành của Thể Công, Công An Hà Nội, Công An TP.HCM hay Cảng Sài Gòn… Ngoài khả năng chơi bóng mê đắm lòng người, Phan Thanh Tuấn còn là một tay sát thủ trong chốn tình trường, nhờ vẻ điển trai giống như một nam tài tử điện ảnh. Thú thật, nhiều lúc bọn tôi phải cảm thấy ghen tị với lão ấy về độ đào hoa. Cũng vì đẹp trai và đá bóng giỏi, nên cám dỗ dành cho lão ấy cũng nhiều hơn so với bọn tôi”.
Trong khi các đồng đội cùng trang lứa ở SLNA đều có được một cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả, với những lựa khác nhau sau khi chia tay sự nghiệp cầu thủ, thì chỉ mình Phan Thanh Tuấn là vẫn say sưa, vật vờ bên bàn nhậu. Những cuộc tình chóng vánh “già nhân nghĩa, non vợ chồng”, những cuộc trụy lạc cùng Nàng tiên nâu đã biến anh thành kẻ phế nhân ngay ở độ tuổi thanh xuân. Nhìn Nguyễn Hữu Thắng (cựu Chủ tịch CLB TP.HCM), Ngô Quang Trường (cựu HLV trưởng SLNA), Phạm Anh Tuấn (cựu HLV trưởng CLB Hải Phòng)…người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới Phan Thanh Tuấn.
Có câu: “con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân”. Theo tiết lộ của người bạn thân Phạm Anh Tuấn, thì Phan Thanh Tuấn đã từ bỏ được nghiện ngập và đang nỗ lực làm lại cuộc đời. Vậy là ở độ tuổi ngoài tứ tuần, cựu tiền vệ SLNA đã biết “quay đầu là bờ” khi quyết tâm tránh xa những thú vui không lành mạnh. Giờ đây, Phan Thanh Tuấn không còn phải lang thang khắp các bến tàu, bến xe… để kiếm tiền mua rượu bia và chất kích thích, mà thay đó là một cuộc sống êm ả, bình dị trong căn nhà nhỏ của bố mẹ đẻ ở khu vực gần chợ Vinh. Thật vui khi thấy Phan Thanh Tuấn “rũ bùn đứng dậy”. Hy vọng rằng, anh sẽ chiến thắng được nghịch cảnh, do mình tạo ra!