Dân Việt

Bài dự thi Tết đoàn viên: Mẹ ơi, mùa xuân này con sẽ về...

Huỳnh Ngọc Dung 23/01/2023 07:00 GMT+7
Tôi sống xa quê, thi thoảng vài năm mới có dịp về thăm nhà, nên thường chọn chuyến về vào dịp Tết cổ truyền để có cơ hội đoàn viên cùng gia đình.

Mỗi mùa Tết qua đi, mái tóc mẹ tôi lại thêm nhiều sợi bạc, sức khỏe cũng yếu dần. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ gầy gò, đứng vẫy tay chào tôi đến tận khi vào trong sân bay. Lần gần đây nhất, mẹ không tiễn tôi đi nữa vì sức khỏe chẳng còn như trước.

Từ khi còn bé, các chị em tôi không được ở gần mẹ, vì mẹ tôi phải đi làm xa tận thành phố, nuôi chúng tôi ăn học. Mùa xuân với chúng tôi chỉ thật sự bắt đầu khi mẹ trở về. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Mẹ ơi, mùa xuân này con sẽ về... - Ảnh 1.

Ở bên mẹ, tôi thấy lòng mình dâng trào biết bao cảm xúc. (Ảnh minh hoạ, nguồn: TN)

Cả nhà khi ấy nhộn nhịp vui hơn hẳn. Ông ngoại vui vẻ chẻ giang hái lá dong về gói bánh chưng, bà ngoại cũng tranh thủ kho nồi thịt đông đầy ắp. Mẹ và chị em chúng tôi thì nhanh nhẹn vào bếp, sên đủ các loại mứt ngon để dành đãi khách. Những ngày đầu xuân, khi bà con họ hàng đến chúc Tết, ngồi cạnh bình hoa violet tím nhạt, nhấm nháp chút mứt gừng, cứ tấm tắc khen ngon. Mẹ con tôi dù bận rộn bếp núc, cơm nước suốt trong cả mấy ngày Tết, nhưng chỉ cần nghe được vài câu khen ngợi ấy, nét mặt lại rạng ngời hạnh phúc. 

Niềm vui lớn nhất của tôi trong những ngày ấy là cảm giác háo hức vì được lấy xe đạp của mẹ để tập đi. Mặc dù cái xe đạp Phượng Hoàng nam màu cánh chả quá nặng với sức vóc gầy gò của tôi, nhưng bản thân vẫn hết sức hãnh diện với bọn trẻ con hàng xóm. 

Bản tính vô tư khiến tôi không nhận ra chiếc xe nặng nề ấy là phương tiện mưu sinh để bán hàng rong của mẹ suốt khoảng thời gian dài ở Hà Nội. Hình ảnh mẹ gầy gò, vất vả với những mẹt bánh nhỏ, đạp xe rong ruổi khắp các nẻo đường, chỉ mong tích góp được chút tiền về cho các con mua sắm quà Tết, trở thành một hồi ức mà tôi không bao giờ quên được.

Lớn lên, tôi đi xa, lập nghiệp tận trời Âu, lấy chồng rồi sinh con. Thi thoảng, khi về phép, tôi lại chở mẹ bằng xe máy đi vòng quanh Hà Nội, lên mãi đường Thanh Niên, Hồ Tây. Tôi chở mẹ đi thăm các cô các dì, bạn bè ngày xưa của mẹ. Mẹ tôi thường rất vui khi ngồi sau xe máy của đứa con gái bé bỏng ngày nào, rồi tíu tít chỉ cho tôi xem góc phố này là nơi mẹ bán hàng, con đường kia mẹ vẫn hay tranh thủ ngồi ăn trưa. Dưới ánh nắng nhàn nhạt những ngày đầu Xuân, câu chuyện của hai mẹ con tôi cứ thế dài ra miên man, khiến lòng ai cũng nao nao hạnh phúc. Mẹ thường bảo: "Chỉ khi nào con về nhà, mẹ mới thấy mùa Xuân thật sự bắt đầu". Mấy lời giản đơn nhưng khiến khoé mắt tôi cay cay. 

Vậty mà, dù yêu thương đến đâu mẹ vẫn không quên nhắc nhở tôi nhiệm vụ chăm sóc gia đình chồng. Cũng bởi, gia đình chồng tôi khá đông anh chị em nhưng đều ra ở riêng, nhà chỉ còn lại bố mẹ chồng. Khoảng độ trước Tết vài ngày, nếu thấy tôi còn quấn quýt ở nhà, như sợ tôi mải vui mà chểnh mảng phận dâu con, mẹ lại nhắc: "Về lo chuẩn bị Tết nhất cùng ông bà bên nhà đi con". Dẫu mái đầu tôi đã điểm bạc, mái tóc bố chẳng còn lấy một sợi xanh nhưng cách dạy con biết lễ nghĩa, cư xử chừng mực với gia đình thông gia của mẹ không bao giờ thay đổi. Bao lần về ăn Tết mà năm nào cũng vậy, qua ba ngày Tết tôi mới về với mẹ. 

Vài năm sau đó, bố chồng tôi mất. Năm ngoái khi về ăn Tết, sau khi cùng vợ chồng chú em út chuẩn bị Tết xong, tôi xin phép mẹ chồng cho tôi được về bên ngoại đón giao thừa vào chiều ba mươi. Đó là điều mà tôi mong mỏi bấy lâu nay trong lòng. Rất may mắn là bà đồng ý. Tối đó, vợ chồng tôi cùng cậu em trai nhanh chóng mua vé tàu hỏa đi từ Hà Nội về quê để đón giao thừa cùng mẹ. 

Khi về đến gần nhà, chúng tôi bất ngờ khi mẹ đã đứng chờ sẵn. Niềm hạnh phúc vỡ òa trong ánh mắt của mẹ. Gần đến Giao thừa năm đó, trời đổ mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm. Nhìn hiện tượng thời tiết bất thường, tôi khẽ đùa: "Chắc do năm nay con về đón giao thừa với mẹ nên trời mưa". Mẹ cốc lên trán tôi âu yếm: "Ừ. Chắc không chỉ mẹ vui mừng xúc động, mà cả đất trời cũng xúc động đấy con gái".

Bài dự thi Tết đoàn viên: Mẹ ơi, mùa xuân này con sẽ về... - Ảnh 2.

Bình hoa thược dược đón xuân về. (Ảnh: NVCC)

Khi trời tạnh ráo trở lại thì giao thừa cũng vừa qua, tôi đi bên cạnh mẹ, hòa cùng dòng người nô nức xem pháo hoa. Khẽ khàng nắm tay mẹ, tôi thấy lòng mình dâng trào biết bao cảm xúc, thứ cảm xúc ấm áp hạnh phúc không thể tả thành lời. Mẹ tôi không nói gì, nhưng tôi biết trong lòng mẹ cũng như tôi, đang rất vui. Hai mẹ con tôi cứ thế bước chậm rãi trên hè phố, chào đón giây phút đầu tiên của năm mới đang về. 

Những năm không có tôi ở bên cạnh, mẹ tôi vẫn thường đi dạo một mình vào những đêm giao thừa như thế. Cũng bởi, với mẹ, một người đã tảo tần nuôi con, chăm sóc gia đình suốt cả một năm vất vả thì những khoảnh khắc nhàn tản đầu năm này gần như là vô giá. 

Những ngày cận Tết, nơi tôi sống là mùa đông giá lạnh. Tuyết rơi ngập trời, những bông tuyết trắng bay như ngàn vạn cánh hoa, tựa như những cánh hoa đào, những cánh én mùa xuân ở quê mẹ... Cảnh tượng trước mắt khiến nỗi nhớ quê trong lòng tôi dâng trào, khiến tôi bất giác tự nhủ: "Mẹ ơi! Xuân này, chắc chắn con sẽ về!". 

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.