Bài dự thi Tết đoàn viên: Trong ánh lửa thơm nồng mùi cá kho niêu

Tường Mây Thứ sáu, ngày 20/01/2023 07:11 AM (GMT+7)
Những năm tháng miên man đi tìm sự đổi đời nơi phố thị, cứ mỗi lúc Chạp về qua ngang ô cửa sổ, lòng tôi lại muốn rũ bỏ tất cả danh vọng để trở về nhà thật sớm, làm một đứa trẻ và quây quần bên bếp lửa cùng cha, cùng mẹ thưởng thức nồi cá kho ám muội tro ngày nào.
Bình luận 0

Quê tôi là vùng đồng bằng chiêm trũng, tuổi thơ của tôi gắn liền với những sớm ngày mò cua bắt ốc, đơm cá ngoài đồng. Hễ lúc nào bắt được những con cá to như cá chuối, cá chép thì anh em tôi luôn ưu tiên để mẹ mang ra chợ bán, lấy tiền đóng học. Còn những con cá nhỏ như đầu ngón tay như cá chày, cá rồng rồng, cá diếc thì mẹ mang về kho mặn, ăn trong nhiều ngày dày tháng.

Tết cũng như vậy thôi. Những ngày cận tết, đặc biệt là chiều tất niên, anh em tôi lại rủ nhau ra đồng làm mẻ cá, bất chấp trời lạnh đến mấy, có nồi cá kho ngày tết như là món đặc sản của người quê. Hơn nữa, tết mẹ sẽ không ưu tiên ai cả mà chọn những con cá to nhất kho lên cho chúng tôi ăn.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Trong ánh lửa thơm nồng mùi cá kho niêu  - Ảnh 1.

Cha mẹ tôi đi du xuân ngày Tết. (Ảnh: NVCC)

Để có được mẻ cá nguyên liệu chất lượng, anh em tôi phải đi mang chậu, mang xô đi từ sớm ra khu vực gọi là đầu kênh của làng. Bắt cá có nhiều cách, người nhâm nhi tao nhã thì họ câu cần, chiều về được con nào vui con ấy. Còn những người thuộc thế hệ như ông nội tôi thì vẫn khoái món đánh dậm nhất, vừa không quá nặng mà thu hoạch cũng kha khá. Anh em tôi thường cậy khỏe nên hay dùng phương pháp tát ao. Chúng tôi chọn khúc kênh nào rậm cỏ bờ, nước sâu, trong vắt rồi khoanh vùng, chặn đầu hai bên bao vây đàn cá.

Đắp được hai ụ bờ, anh em tôi mỗi người một đầu, dùng chậu nhôm mang đi tát lấy tát để cả tiếng đồng hồ cho nước cạn. Những con cá bắt đầu lộ "nguyên hình" được chúng tôi túm cổ cho vào giọ. Khoái nhất là bắt bọn chạch đồng, chúng trơn tuồn tuột và lạch siêu nhanh, tôi thường dùng chiêu sục cả xô bùn rồi thong thả mà bắt chúng. 

Sau mỗi "trận đánh", chúng tôi bùn lem đầy mặt mũi, toàn thân lạnh căm căm nhưng đổi lại chúng tôi đã có được một mẻ cá đồng chất lượng và hơn hết lần này chúng tôi không phải mang ra chợ bán.

Anh em tôi hí hửng mang chiến lợi phẩm về nhà trong sự tò mò, ngưỡng mộ của bọn trẻ trong xóm. Kỳ lạ là bố tôi lại là người mổ cá rất khéo. Ngày ấy, nước đồng rất sạch sẽ nên bố tôi chỉ cần mổ cá bỏ ruột, mang và rửa qua loa đi là có thể kho ngay được. Mẹ tôi lúi húi trong chiếc khăn quàng đầu bà nội để lại gọt riềng, bóc xả, ớt, thái bì và mỡ lợn… chuẩn bị niêu nồi cho mẻ cá kho tất niên.

Anh em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và chỉ việc đi tắm giặt sạch sẽ rồi vào trông bếp. Trên nóc đống rơm sau vườn, con gà trống hiên ngang đập cánh gáy liên hồi như thể nó cũng đang giục xuân. Trời nắng lên, hoa đào hé nụ, bản nhạc xuân rền vui được vang lên từ loa phát thanh xã như đếm ngược những vơi cạn của năm cũ.

Trưa cuối năm, nắng xuân rẽ mây rọi xuống chái bếp nhỏ xinh thì cũng là lúc bếp hồng hun lửa ấm áp. Từng lọn khói rạch qua khe ngói, lủng lẳng đan vào mây mờ tạo ra những nụ cười trên bầu trời, có vẻ như bà nội ở miền xa xôi nào đó hiện về, tấm tắc khen vì nồi cá kho bà để lại đã không bị thất truyền. 

Cả nhà quây quần bên bếp lửa, anh đẩy rơm em đủn mấy củ khoai lang vào nướng, đợi cá chín. Bàn tay mẹ xòe ra, bàn cha xòe vào và cả bàn tay của gia đình che chắn cho ánh lửa đỏ bập bùng. Sợi khói lẩn khuất bám lên những khóe mắt cay cay, nứt noác vết chân chim của bố mẹ, mùi khói ấy sao mà cứ mê mẩn mãi theo thời gian. 

Niêu cá bắt đầu sôi ùng ục. Một làn hơi quyến rũ khẽ lạch qua khe nhỏ giữa vung và nồi. Đó là vị thơm của cá đồng ngấm riềng, vị mặn mòi của nước tương mẹ ủ lâu ngày làm anh em tôi đòi ăn ngay lập tức. Còn chú mèo lười đang nghiền trong giấc ngủ đông cũng ưỡn mình tỉnh dậy, dúi dúi vào chân tôi như năn nỉ.

Năm tháng nối gót ra đi, tuổi thơ chập chững giờ cũng đã trung kỳ, quê tôi tàng hình dần những con kênh nước trong thấu đáy, chỉ còn lại các đoạn bờ khô cằn, nước trũng tù đọng, đen ngòm. Anh em chúng tôi bôn ba xứ lạ, mỗi người một ngả, kẻ Bắc người Nam bỏ lại hai cánh cò già heo hút nơi gian bếp lầm lũi. Chạp chạm ngõ, chỉ mong tháng ngày cũ vơi cạn thật nhanh để về bên cha, ghé đầu vào nách mẹ, hít hà mùi quần áo chẳng bao giờ chê hôi, hay mùi thuốc lào ám đăng đắng kinh niên đã làm đen ố hàm răng của bố.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Trong ánh lửa thơm nồng mùi cá kho niêu  - Ảnh 2.

Niêu cá kho tết đậm đà hương vị tình thân (Ảnh: Quang Thiều)

Mái tranh nghèo ngày nào giờ cũng đã bê tông hóa, khói rơm vấn vít chỉ còn trong miền ký ức, song vẫn còn đó hình bóng của mẹ, của cha bên hiên nhà ngồi ngóng những đứa con xa xứ lần đường trở về. Năm ngoái, dịch bệnh căng thẳng, tết đến sát sạt mà mãi chưa thấy đứa nào về, biết chúng tôi thích ăn cá kho niêu, mẹ tôi mới "dụ" anh em chúng tôi về quê sớm bằng hình ảnh cha tôi lọ mọ mổ cá ở góc sân. Dẫu không còn là cá đồng tự tay anh em chúng tôi bắt về, nhưng vẫn có một sức cuốn hút kỳ lạ, phải chăng đó là ký ức đã chiếm trọn ngăn giữa trong tim chúng tôi.

Cha nói vào điện thoại của mẹ rằng, các con đi làm trên phố, thưởng thức đủ các loại cá to, cá ngoại, chế biến theo nhiều cách tân thời nhưng cha tin các con vẫn giữ niêu cá đồng kho tương ở một vị trí trong ký ức. Cái vị thơm nồng của riềng sả, mặn mòi của tương, cay xè của ớt và nhũn nhùn đến tận xương cá… quện vào đó là vị của quê hương, tình thân, và cả những tháng ngày gian khó, cơ cầu của miền tết xưa. Cho dù dẫu có trở thành "ông nọ bà kia" trên bước đường cơm áo, cha mong các con hãy luôn nhớ về hình ảnh tết xưa nghèo khó nhưng ấm áp để biết san sẻ, giúp đỡ những người như mình đã từng…

Thế nên, cho dù tôi từng trải nghiệm đón tết xa nhà, ở nơi được gọi là "sang chảnh" với đầy đủ tiện nghi, quà bánh hảo hạng thì với tôi vẫn cứ vời vợi nỗi thương nhớ, mong mỏi về niêu cá kho của mẹ, của cha. Đó là vị của tình thân, của hương vị tết cổ truyền, sum vầy mà người Việt nào cũng hiểu nhưng khó diễn giải bằng lời.

Ôi nôn đến tết quá chừng! Tôi sẽ về để mổ cá cùng cha, nướng khoai cho mấy đứa nhỏ con anh trai tôi và thì thầm vào tai mẹ những câu chuyện tinh tươm thuở ấu thơ.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem