Chị Nguyễn Hải Anh, 45 tuổi (quê Thái Bình) làm việc tại Dubai được 2 năm đã chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ quê và nhớ Tết Việt.
"Đây không phải là lần đầu tiên mình rời Việt Nam đi làm việc, ngày chưa lấy chồng mình cũng từng đi làm việc tại Đài Loan. Dù nhiều lần sống và làm việc ở nước ngoài nhưng lần nào xa Việt Nam cũng nhớ mong không nguôi. Giờ nỗi nhớ càng tăng lên gấp bội vì mình đã có gia đình, có chồng và 3 con", chị Hải Anh kể.
Chị Hải Anh chia sẻ, 3 năm trước khi dịch Covid-19 kéo tới, cửa hàng tóc của vợ chồng anh chị phải đóng cửa. Suốt 2 năm không làm ăn được gì, kinh tế gia đình rất khó khăn. Lúc này anh chị đã bàn bạc, rồi chị quyết tâm sang Dubai làm việc để có thêm thu nhập.
Hiện tại thu nhập của một thợ làm tóc của chị cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng. Mức lương tuy không quá cao so với thu nhập lao động bản địa nhưng cao hơn nhiều so với khi còn làm ở Việt Nam.
"Mình còn 4 tháng nữa là được về Việt Nam đoàn tụ cùng với gia đình rồi. Mình mong lắm, 2 vợ chồng đếm từng ngày để được sum họp", chị Hải Anh chia sẻ.
Xa quê, đón Tết tại Dubai cùng đồng nghiệp, người Việt xa quê như chị đã tổ chức bữa cơm tất niên đón giao thừa. Dù Tết Việt nơi xa xứ không thể được đủ đầy, không có hoa đào, hoa mai, không có giò chả... nhưng vẫn không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh.
Chị Hải Anh kể: "Cách đây 1 tuần mấy chị em đã ngồi lại bàn kế hoạch tổ chức lễ tất niên và đón giao thừa. Chúng tôi mua gạo, mua lá dong về tự gói bánh chưng. Nguyên liệu về cơ bản là đủ nhưng vị bánh chưng thì không thể ngon như nấu củi tại quê".
Sau khi ăn tất niên, mọi người cùng nhau chúc tụng, đi chơi, lên chùa. Vì ông chủ là người Việt nên chị Hải Anh cùng các lao động khác được nghỉ Tết một ngày để đi chơi, thăm thú bạn bè, sau đó mùng 2 Tết mọi người lại bắt tay vào công việc.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong lòng mỗi người lao động làm việc xa quê hương lại chộn rộn. Nỗi nhớ gia đình, thèm cảm giác được sum vầy bên người thân luôn thường trực. Song, họ vẫn phải tự động viên bản thân cố gắng làm việc thật tốt nơi xứ người.
Anh Phạm Đức Cảnh, 35 tuổi (Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình) hiện đang làm việc tại Nga chia sẻ phút giây đón Tết xa quê: “Giờ này mọi năm, tôi sẽ cùng vợ con đi chúc Tết gia đình, họ hàng. Trước đó chúng tôi sẽ cùng nhau đi mua cây quất trưng bày trong nhà. Sau đó, tôi sẽ gói bánh chưng, trông nồi bánh nghi ngút khói trong tiết trời se lạnh. Nhưng năm nay lại khác, tôi vẫn đi làm việc bình thường trong nhà máy tại nước Nga xa xôi”.
Đi xuất khẩu lao động vào giữa năm 2022, đây là năm đầu tiên anh Cảnh đón Tết xa quê hương. Chính vì vậy, nỗi nhớ nhà luôn thường trực trong anh những ngày áp Tết. Sau những giờ làm việc trong nhà máy, khi trở về nhà, anh gọi điện cho người thân nhiều hơn để hỏi thăm tình hình chuẩn bị đón Tết ra sao.
Anh Cảnh nghẹn ngào: “Nhiều lúc nằm nghĩ tủi thân lắm. Ở nhà mọi người quây quần, chúc tụng nhau, mình vẫn vào nhà máy làm việc bình thường. Tết cổ truyền luôn đặc biệt đối với tôi”.
Nhưng vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho gia đình tốt hơn, con cái được ăn học đầy đủ, nên anh phải nén những cảm xúc đó trong lòng.
Đêm giao thừa, anh tham gia đón tất niên cùng người Việt tại Nga và gọi video call để nói chuyện cùng bố mẹ, vợ con. Bởi vậy cảm giác cũng gần gũi và ấm áp hơn. Các con chúc anh sức khỏe, sớm về nhà đoàn tụ. Phút giây nghe con nói nhớ bố, anh lại rơm rớm nước mắt.
“Chúng tôi là công nhân nên vẫn đi làm bình thường. Không có thời gian rảnh rỗi để đi giao lưu, đường sá không biết nên tôi cũng chỉ loanh quanh ra cửa hàng hoặc anh chị em công nhân tự tổ chức với nhau”, anh Cảnh nói.
Dù phải đón Tết xa nhà nhưng không vì thế mà thiếu vắng Tết Việt, những lao động Việt vẫn tập trung để cùng nhau đón chờ thời khắc giao thừa, cùng đón một cái Tết ấm áp, chúc nhau về một năm mới may mắn, hạnh phúc.