Tháng 5/2023, Vovinam lại có mặt ở SEA Games 32 trên đất Campuchia. Trước đó, năm 2022, Vovinam đã trở lại đấu trường SEA Games tại Hà Nội.
Để chuẩn bị cho SEA Games 32 năm 2023, Vovinam đã chuẩn bị kế hoạch dài hơi với nhiều giải đấu và chương trình tập huấn cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để kỳ Đại hội thể thao khu vực năm 2023 thành công.
Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á tổ chức chương trình huấn luyện online về kỹ thuật cho các đội tuyển quốc gia kéo dài đến tháng 5/2023. Song song đó, Liên đoàn cử các chuyên gia giỏi đến các nước trong khu vực huấn luyện trực tiếp cho VĐV đội tuyển các nước. Sau đó, các quốc gia cử lực lượng VĐV, HLV đến Việt Nam tập huấn nâng cao.
Với sự chuẩn bị chu đáo và dài hơi, Vovinam được kỳ vọng sẽ mang võ Việt, tinh thần và văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua thể thao và hướng đến thành công của SEA Games 32 trên đất Campuchia. Phía Campuchia đặt kỳ vọng vào môn Vovinam khi họ đề nghị đưa vào khoảng 24-30 bộ huy chương. Tại SEA Games 31 vừa qua, Việt Nam chỉ tổ chức 15 bộ huy chương.
Ngược dòng thời gian, năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc đã sáng lập một môn võ Việt từ võ vật dân tộc dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển với tên gọi Vovinam. Đến Chưởng môn Lê Sáng, ông cùng các võ sư tìm tòi nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện. Điều đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt này phát triển.
Kế thừa những thành quả đó, cố võ sư Chánh chưởng quản Nguyễn Văn Chiếu đã cùng các võ sư đưa Vovinam - Việt Võ Đạo lan toả đến bạn bè quốc tế khắp năm châu.
Võ sư Vittorio Cera nhiều lần lặn lội từ Italia đến nhà cố võ sư Nguyễn Văn Chiếu - nguyên Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ Đạo để học võ và về xây dựng phong trào tại đất nước hình chiếc ủng, chia sẻ: “Tôi yêu môn Vovinam vì nó là sự kết tinh của văn hoá dân tộc Việt Nam. Tinh thần võ đạo của Vovinam khiến mỗi người luôn phải tự rèn luyện để phát triển và thay đổi bản thân mình một cách tốt hơn”.
Trải qua nhiều năm phát triển, việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới năm 2008 tạo bước ngoặt cho sự phát triển phong trào Vovinam toàn cầu khi Liên đoàn Vovinam các châu lục được thành lập ở châu Á, châu Âu, châu Phi… Từ đó, hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới diễn ra thường xuyên và ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng.
“Các đòn thế của môn võ Vovinam đẹp mắt, rất hiệu quả. Sự uyển chuyển mà mạnh mẽ của kỹ thuật Vovinam khiến võ sinh có thể vận dụng vào thực tế rất tốt. Do đó, ngay từ những bài tập đầu tiên chúng tôi đã yêu thích môn võ này”, Pov Sokha là một VĐV nổi tiếng của Campuchia nhận định.
Năm 2023, Vovinam đã trải qua 85 năm hình thành và phát triển. Chừng ấy thời gian đã giúp môn võ này mang văn hóa Việt đến thế giới với nhiều dấu ấn đậm nét.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới: “Chúng ta may mắn có Vovinam là sản phẩm văn hoá rất đặc biệt của người Việt Nam. Phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Hiện nay đã lan toả gần 70 quốc gia và gần 2 triệu môn sinh. Chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng sự phát triển. Hiện nay Vovinam có mặt ở năm châu. Chúng ta đã có nhiều kế hoạch triển khai ở từng châu lục, từng khu vực và từng quốc gia. Các sự chuẩn bị đã diễn ra liên tục. Dự kiến tháng 11/2023, chúng tôi sẽ tổ chức giải vô địch Vovinam thế giới tại Việt Nam để môn sinh toàn thế giới hội tụ tại Việt Nam nhân kỷ niệm 85 năm thành lập”.
Và với những nét tinh hoa được đúc kết trong từng thế võ, có thể nói, Vovinam đang góp phần giúp cho bạn bè quốc tế ngày càng yêu mến hơn đất nước và con người Việt Nam, và môn võ này đã mang trong mình sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt.