Dân Việt

5 đại cao thủ lợi hại nhất trong Kim Dung: Trương Tam Phong số mấy?

Hoa Vũ 25/01/2023 18:33 GMT+7
Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ, Tiêu Phong đều là nhân vật được yêu thích nhất trong các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung, nhưng họ lại không phải là những cao thủ mạnh nhất.

Tiêu Dao Tử

5 đại cao thủ lợi hại nhất trong Kim Dung: Trương Tam Phong số mấy? - Ảnh 1.

Mỗi loại võ công của Tiêu Dao Tử đều vượt qua cảnh giới của thường nhân.

Tiêu Dao Tử là người sáng lập ra phái Tiêu Dao trong Thiên Long Bát Bộ. Ông đã mất trong bối cảnh trước khi Thiên Long Bát Bộ diễn ra, và chỉ xuất hiện qua các lời kể của đệ tử ông như Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy.

Mọi võ học của phái Tiêu Dao đều do Tiêu Dao Tử tự sáng tạo ra và được xem như là vượt xa cảnh giới của thường nhân như: Bắc Minh Thần Công, Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, Thiên Sơn Lục Dương Chưởng, Tiểu Vô Tướng Công, Bát Hoang Lục Hợp Duy Ngã Độc Tôn Công.

Những môn võ công này đều thuộc hàng kỳ dị, độc nhất vô nhị và vô cùng lợi hại thuộc hàng bậc nhất. Trong Thiên Long Bát Bộ, những nhân vật chỉ cần học được một trong các môn võ này đều thuộc hàng cao thủ nức tiếng trên giang hồ.

Độc Cô Cầu Bại

Nhân vật chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp trong các bộ tiểu thuyết của Kim Dung, mà chỉ được nhắc đến qua lời kể của các nhân vật. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ và Thần Điêu Hiệp Lữ, Độc Cô Cầu Bại qua lời kể của Phong Thanh Dương và Dương Quá, được mô tả là cao thủ số một võ lâm và chưa bao giờ biết mùi thất bại.

Tuyệt thế võ công mà Độc Cô Cầu Bại sở hữu là Độc Cô Cửu Kiếm do chính ông sáng tạo ra. Phong Thanh Dương được cho là nhân vật duy nhất luyện được Độc Cô Cửu Kiếm đến cảnh giới cao nhất, được xếp vào 1 trong 3 đại cao thủ của Tiếu Ngạo Giang Hồ. Lệnh Hồ Xung chỉ luyện Độc Cô Cửu Kiếm một thời gian ngắn nhưng đã trở thành cao thủ kiếm thuật, thậm chí đánh bại cả những truyền nhân của Tịch Tà Kiếm Phổ như Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi.

Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Dương Quá không học kiếm thức của Độc Cô Cửu Kiếm, nhưng dựa theo kiếm ý của Độc Cô Cầu Bại để tu luyện, sau cũng trở thành nhân vật có nội công thâm hậu bấc nhất trong Thần Điêu Hiệp Lữ.

Hoàng Thường

5 đại cao thủ lợi hại nhất trong Kim Dung: Trương Tam Phong số mấy? - Ảnh 2.

Bằng kiến thức uyên thâm, Hoàng Thường đã ngộ ra chân lý võ học và viết nên Cửu Âm Chân Kinh.

Người hâm mộ tiểu thuyết Kim Dung chắc chắn không xa lạ với đại cao thủ Hoàng Thường, người viết nên cuốn Cửu Âm Chân Kinh lừng danh trong bộ Xạ Điêu Tam Bộ Khúc.

Hoàng ThườngHoàng Thường vốn là một quan văn trong triều, theo lệnh của hoàng đế thu thập hết sách của Đạo gia 5481 quyển viết thành bộ sách Vạn thọ Đạo tạng. Nhờ đó, ông học được toàn bộ các bí kíp võ học Đạo gia. Sau khi ẩn cư trên núi nghiên cứu võ học, ông đã nghiên cứu 384 bác trong 64 quẻ. Gồm 192 bác Âm và 192 bác Dương. Ông kết hợp tạo thành bộ võ học vang danh này.

Hậu thế sau này học được Cửu Âm Chân Kinh cũng đều là tuyệt thế cao thủ, với nội công thâm hậu, như Quách Tĩnh hay Dương Quá. Âu Dương Phong luyện ngược Cửu Âm Chân Kinh thậm chí còn khiến võ công thăng tiến vượt bậc, trở thành cao thủ số 1 trong Hoa Sơn luận kiếm lần 2.

Tảo Địa Tăng

5 đại cao thủ lợi hại nhất trong Kim Dung: Trương Tam Phong số mấy? - Ảnh 3.

Tảo Địa Tăng, vị đại sư bí ẩn nhưng võ công đạt tới cảnh giới thượng thừa.

Cao Tăng bí ẩn trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ. Canh giữ Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự suốt 40 năm, đã đọc qua toàn bộ kinh thư được lưu trữ ở cấm địa này.

Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn danh bất hư truyền là thế nhưng không chịu nổi hai chưởng từ Tảo Địa Tăng. Khi Tiêu Phong tung Giáng Long Thập Bát Chưởng, vị cao tăng dễ dàng hóa giải. Chừng đó đủ để thấy vô danh thần tăng đạt đến cảnh giới võ công thượng thừa.

Trương Tam Phong

5 đại cao thủ lợi hại nhất trong Kim Dung: Trương Tam Phong số mấy? - Ảnh 4.

Trương Tam Phong được xem là bậc bắc đẩu của võ lâm Trung Nguyên.

Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, xuất hiện trong phần cuối của Thần Điêu Hiệp Lữ cho đến Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Ông là sư tổ của phái Võ Đang và cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử.

Kim Dung miêu tả ông là bậc bắc đẩu trong võ lâm, đã ngoài 100 tuổi, nội công đạt đến "lô hỏa thuần thanh" (lửa trong lò đã hóa màu xanh, ngụ ý chỉ cảnh giới tối cao).

Những năm cuối đời, Trương Tam Phong sáng tạo nên loại võ công có tên Thái Cực Thần Công, lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động, lấy yếu thắng mạnh. Thái Cực Thần Công được chia làm hai loại là Thái Cực Kiếm và Thái Cực Quyền, đây cũng là võ công mà Trương Tam Phong tâm đắc nhất trong cuộc đời của mình.